Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang, địa bàn cư trú lâu đời của hơn 10 dân tộc, trong đó, các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng chiếm đa số. Do yếu tố về địa lý, địa hình, hiện trong nhân dân còn bảo tồn, lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống độc đáo và đa dạng, mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, vùng miền, đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Những năm gần đây, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện thông tin truyền thông cùng sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, địa phương diễn ra mạnh, nhiều vốn văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện đã và đang có nguy cơ bị biến dạng, mai một. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ không thường xuyên sử dụng làn điệu dân ca dân vũ, trang phục truyền thống, nhiều lễ thức, lễ hội dân gian bị cắt xén, tổ chức sơ sài, kiến trúc nhà ở bị biến dạng...
Từ thực tế trên, huyện đã triển khai đồng bộ, thống nhất và thường xuyên việc đưa văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học trên địa bàn. Qua đó nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò của các cấp, ngành, nhà trường, hội nghệ nhân dân gian và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong huyện.
Cùng với đó, huyện sưu tầm, kiểm kê giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc để bảo tồn và lựa chọn giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu nhằm biên soạn, đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì, các trường học trên địa bàn huyện đã giới thiệu, truyền dạy vốn văn nghệ dân gian như hát dân ca, múa ngựa giấy, sử dụng nhạc cụ của dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Cờ Lao. Bên cạnh đó, các trường giới thiệu và trình diễn trích đoạn lễ thức, lễ hội truyền thống của các dân tộc như lễ hội nhảy lửa, lễ cầu hồn lúa của dân tộc Dao đỏ, lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, lễ cúng Hoàng Vần Thùng của dân tộc Cờ Lao, lễ cúng cơm mới của dân tộc Nùng, Dao, La Chí; giới thiệu, tổ chức trò chơi dân gian như trò vật chày của dân tộc Dao đỏ, thi đánh yến, ném còn, đu quay, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy của dân tộc Tày - Nùng…
Huyện mở lớp dạy múa khèn Mông, thổi kèn lá, kèn môi, múa gậy tiền, hát ống của dân tộc Mông, Cờ Lao, dạy kỹ năng chế tác nhạc cụ dân tộc như khèn, sáo của dân tộc Mông, đàn, nhị của dân tộc Tày, Nùng, kỹ năng làm trống của dân tộc Dao đỏ, kỹ năng chế tác đồ thủ công mỹ nghệ chạm khắc bạc, thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Mông, Dao, Nùng…
Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân cho biết, các trường học đều đang thực hiện việc đưa văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy với quan điểm của ngành là truyền dạy văn hóa vốn có, truyền thống, không cải biên, không làm mới. Việc truyền dạy văn hóa được các nghệ nhân đảm nhận để đạt hiệu quả tốt nhất, nghệ nhân dân tộc nào sẽ dạy văn hóa dân tộc đó, tránh tình trạng bị thiếu sót, sai lệch văn hóa.
Một buổi chiều thứ Sáu tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Thàng Tín (xã Thàng Tín), trong lớp học, tiếng thầy cô giáo say sưa giảng bài. Trên sân trường nơi biên viễn Tổ quốc, tiếng khèn Mông lại vang lên hòa quyện vào âm hưởng của núi rừng.Thấp thoáng dưới những tán cây, hàng chục học sinh quây quần, chăm chú bên điệu khèn của "nghệ nhân bản địa".
Thầy Nguyễn Thiện Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc đưa văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy đã được thực hiện trong nhiều năm nay. Các em rất hứng thú với việc được tìm hiểu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Em Thào A Minh, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Thàng Tín hào hứng chia sẻ, em được học múa khèn từ các nghệ nhân trong thời gian khá dài. Giờ đây, em đã biết, thực hiện được một vài điệu múa cơ bản. Việc tìm hiểu và được học nét đẹp của dân tộc mình giúp em hiểu thêm về văn hóa, thêm yêu quê hương, đất nước.
Sau thời gian thực hiện việc đưa văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học trên địa bàn huyện, đến nay, sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh khá tốt. Trước đây, nhiều học sinh người Nùng không biết được đặc trưng của dân tộc Nùng là múa Ngựa giấy, chỉ có học sinh ở một số xã biết. Được nghệ nhân truyền dạy, hầu hết học sinh đều nắm rõ múa Ngựa giấy là nét đẹp văn hóa của người Nùng - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân chia sẻ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu nhưng việc triển khai đưa văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học còn gặp khó khăn như, một số xã chưa thực sự coi trọng, triển khai mang tính hình thức. Bên cạnh đó, các đồ dùng để tổ chức học tập và lưu giữ văn hóa truyền thống còn mang tính minh họa, hình thức, chưa đẹp, chưa phù hợp, chưa đúng. Một trở ngại nữa không thể không kể đến là sự tham gia của các nghệ nhân còn hạn chế, đa phần tồn tại trên đều bởi nguồn kinh phí eo hẹp, công tác xã hội hóa còn khó khăn…
Đất nước Việt Nam bao đời nay vẫn là khối gắn kết, các dân tộc sinh sống hòa thuận với nhau, từ đó những nét đẹp văn hóa đặc trưng đa dạng được truyền từ đời này qua đời khác. Việc truyền dạy, đưa văn hóa các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học là cần thiết, ý nghĩa, thông qua đó hun đúc cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước biết, hiểu và yêu thêm nét đẹp văn hóa dân tộc. Từ đó, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, con người ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Nam Thái