Độc đáo nghề đan nón lá của dân tộc Nùng

Độc đáo nghề đan nón lá của dân tộc Nùng
Với người dân tộc Nùng ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) chiếc nón lá là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Dù không còn phát triển như xưa, nhưng nghề làm nón lá của người dân tộc Nùng nơi đây vẫn còn tồn tại và được giữ gìn.
Các cụ ông xóm Cốc Coóc, xã Tự Do đan nón lá.
Các cụ ông xóm Cốc Coóc, xã Tự Do đan nón lá.

Đến huyện Quảng Uyên những ngày này, ngoài bức tranh yên bình, ấm áp của vùng núi non phong cảnh hữu tình không thể thiếu hình ảnh chiếc nón lá giản dị của người dân tộc Nùng nơi đây.

Nón lá của dân tộc Nùng rất khác với nón lá ở một số địa phương khác. Không chỉ khác về hình thức mà còn khác về cách làm và nguyên liệu. Để làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Khung nón đan bằng tre và có hai lớp, một lớp ngoài và một lớp trong. Lớp bên ngoài được đan cẩn thận, không để lộ một mấu nối nào ra ngoài. Sau đó trải đều lá mai, lá chuối bên trong lớp khung ngoài đó, ép chặt rồi cố định lớp khung thứ hai lên. Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Vì lá mai không có sẵn như lá tre hay lá chuối nên người thợ làm nón phải đi hái lá mai trong rừng hoặc tìm những bản làng xung quanh có trồng cây mai. Lá mai, lá chuối lấy về đều được bó thành từng bó nhỏ rồi xếp trên gác bếp hong khô cho đến khi lá ngả màu nâu, không còn giữ nước và giữ độ dai nhất định. Những chiếc nón lá sau khi hoàn thành công đoạn cuối cùng tiếp tục được hong khô trên gác bếp, điều này giúp cho chiếc nón không bị mối, mọt, có độ bền lâu, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước. Có lẽ chính vì sự cẩn thận tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón lá của người dân tộc Nùng ngày càng ít, người biết làm nón chỉ có các cụ cao tuổi, bởi còn yêu nghề và muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc nên họ cố bám trụ với nghề và mong muốn truyền lại cho con cháu kỹ thuật đan nón của tổ tiên. 
 
Những chiếc nón lá được hong khô trên gác bếp.
Những chiếc nón lá được hong khô trên gác bếp.

Ông Nông Văn Lầu, 77 tuổi, dân tộc Nùng, đã làm nghề đan nón lá được 45 năm, chia sẻ: Nghề này có từ khi nào thì không ai biết rõ, các cụ bảo cứ cha truyền con nối, nhưng thế hệ các con, các cháu tôi bây giờ không ai thích đan nón lá. Tôi già rồi, không làm được việc nặng nhọc nên cố đan nón vừa để giữ nghề truyền thống và tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Người dân chọn mua nón lá.
Người dân chọn mua nón lá.

Chiếc nón lá do đôi bàn tay chai sần của những người thợ làm ra đang tiếp tục đi đến những phiên chợ, bầu bạn với người dân vùng núi cao, giúp che mưa, nắng và hiện hữu như là một minh chứng cụ thể cho những nét độc đáo của đất và người nơi đây.

Theo baocaobang.vn

Dân tộc Nùng Dân tộc Nùng

Tên tự gọi: Nồng.

Nhóm địa phương: Nùng Giang, Nùng Xuồng, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín...

Dân số: 968.800 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), cùng nhóm với tiếng Tày, tiếng Thái, và nhất là tiếng Choang ở Trung Quốc...

Lịch sử: Người Nùng phần lớn từ Quảng Tây (Trung Quốc) di cư sang cách đây khoảng 200-300 năm.

Hoạt động sản xuất: Người Nùng làm việc rất thành thạo nhưng do cư trú ở những vùng không có điều kiện khai phá ruộng nước cho nên nhiều nơi họ phải sống bằng nương rẫy là chính. Ngoài ngô, lúa họ còn trồng các loại củ, bầu bí, rau xanh...

Họ biết làm nhiều nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giấy dó, làm ngói âm dương... Nhiều nghề có truyền thống lâu đời nhưng vẫn là nghề phụ gia đình, thường chỉ làm vào lúc nông nhàn và sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Hiện nay, một số nghề có xu hướng mai một dần (dệt), một số nghề khác được duy trì và phát triển (rèn). Ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà, Cao Bằng) rất nhiều gia đình có lò rèn và hầu như gia đình nào cũng có người biết làm nghề rèn.

Chợ ở vùng người Nùng phát triển. Người ta thường đi chợ phiên để trao đổi mua bán các sản phẩm. Thanh niên, nhất là nhóm Nùng Phàn Slình, thích đi chợ hát giao duyên.

Ăn: Ở nhiều vùng người Nùng ăn ngô là chính. Ngô được xay thành bột để nấu cháo đặc như bánh đúc. Thức ăn thường được chế biến bằng cách rán, xào, nấu, ít khi luộc. Nhiều người kiêng ăn thịt trâu, bò, chó.

Mặc: Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông.

: Người Nùng cư trú ở các tỉnh Ðông Bắc nước ta, họ thường sống xen kẽ với người Tày. Phần lớn ở nhà sàn. Một số ở nhà đất làm theo kiểu trình tường hoặc xây bằng gạch mộc. Ở ven biên giới trước kia còn có loại nhà làm theo kiểu pháo đài, có lô cốt và lỗ châu mai để chống giặc cướp.

Phương tiện vận chuyển: Các phương thức vận chuyển truyền thống là khiêng, vác, gánh, mang, xách. Hiện nay ở một số địa phương người Nùng sử dụng xe có bánh lốp do các vật kéo để làm phương tiện vận chuyển.

Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội người Nùng đã đạt đến trình độ phát triển như ở người Tày. Ruộng và nương thâm canh đã biến thành tài sản tư hữu, có thể đem bán hay chuyển nhượng. Hình thành các giai cấp: địa chủ và nông dân.

Cưới xin: Nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu và khi yêu nhau họ thường trao tặng nhau một số kỷ vật. Các chàng trai tặng các cô gái đòn gánh, giỏ đựng con bông (hắc lì) và giỏ đựng con sợi (cởm lót).Còn các cô gái tặng các chàng trai áo và túi thêu.

Tuy nhiên hôn nhân lại hoàn toàn do bố mẹ quyết định, trên cơ sở hai gia đình có môn đăng hộ đối không và lá số đôi trai gái có hợp nhau hay không. Nhà gái thường thách cưới bằng thịt, gạo, rượu và tiền. Số lượng đồ dẫn cưới càng nhiều thì giá trị của người con gái càng cao. Việc cưới xin gồm nhiều nghi lễ, quan trọng nhất là lễ đưa dâu về nhà chồng. Sau ngày cưới cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến sắp có con mới về ở hẳn nhà chồng.

Sinh đẻ: Ngoài lễ đặt bàn thờ bà mụ và lễ mừng trẻ đầy tháng ở một số nhóm Nùng còn tổ chức lễ đặt tên cho trẻ khi chúng đến tuổi trưởng thành.

Ma chay: Có nhiều nghi lễ với mục đích chính là đưa hồn người chết về bên kia thế giới.

Nhà mới: Làm nhà mới là một trong nhiều công việc hệ trọng. Vì thế khi làm nhà người ta rất chú ý tới việc chọn đất, xem hướng, chọn ngày dựng nhà và lên nhà mới với ước mong có cuộc sống yên vui, làm ăn phát đạt.

Thờ cúng: Thờ tổ tiên là chính. Bàn thờ đặt ở nơi trang trọng, được trang hoàng đẹp, ở vị trí trung tâm là bức phùng slằn viết bằng chữ Hán cho biết tổ tiên thuộc dòng họ nào. Ngoài ra còn thờ thổ công, Phật bà Quan âm, bà mụ, ma cửa, ma sàn, ma ngoài sàn (phi hang chàn)... và tổ chức cầu cúng khi thiên tai, dịch bệnh... Khác với người Tày, người Nùng tổ chức mừng sinh nhật và không cúng giỗ.

Lễ tết: Người Nùng ăn tết giống như ở người Việt và người Tày.

Lịch: Người Nùng theo âm lịch.

Học: Có chữ nôm Nùng dựa theo chữ Hán, đọc theo tiếng Nùng và chữ Tày - Nùng trên cơ sở chữ cái La-tinh.

Văn nghệ: Sli là hát giao duyên của thanh niên nam nữ dưới hình thức diễn xướng tập thể, thường là đôi nam, đôi nữ hát đối đáp với nhau và được hát theo hai bè.

Người ta thường Sli với nhau trong những ngày hội, ngày lễ, ngày chợ phiên, thậm chí ngay trên tàu, trên xe.

Chơi: Trong các ngày tết, ngày lễ, ngày hội thường có một số trò chơi như tung còn, đánh cầu lông, đánh quay, kéo co...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm