Đám cưới của người Cao Lan ở Đèo Gia

Đám cưới của người Cao Lan ở Đèo Gia
Các nghi lễ trong đám cưới của người Cao Lan

Lễ đặt trầu: Nhà có con trai lớn đến tuổi trưởng thành bố mẹ nói rõ với con trai ý định tìm dâu. Nếu người con trai đồng ý gia đình chuẩn bị 4 bìa đậu, 1 lít rượu, 8 quả cau, 8 lá trầu, nhờ chú hoặc bác của chàng trai sang nhà gái gọi là lễ đặt trầu (pốt slam lưu). Đến nhà gái, lễ được đặt vào 4 chiếc bát ăn cơm thật sạch (đại diện cho hai bên họ nội, họ ngoại) mỗi chiếc bát để 2 quả cau, 2 lá trầu rồi đặt lên bàn thờ. Sau từ 3 đến 5 ngày, nhà gái không mang trả lại trầu cau có nghĩa là đồng ý.

Lễ dạm ngõ: Nhà trai cử bác hoặc chú mang sang nhà gái 4 quả cau đặt vào hai bát con sạch để lên bàn thờ. Sau 7 ngày, nhà gái không trả lại cau là mọi việc tốt đẹp. Tiếng Cao Lan gọi bước này là “hiền sờn tềnh”.

Lễ đặt gánh - ăn hỏi: Lễ đặt gánh - ăn hỏi (pôi tềnh lìu): Nhà trai chuẩn bị một lễ gồm 42-46 cái bánh dầy (thường là bánh chay), hai con gà thiến thật đẹp, 4 lít rượu, ít tiền mặt, 8 quả cau, 8 lá trầu. Tìm được ngày tốt, nhà trai cử người mang lễ sang nhà gái, xin lá số của cô gái về nhờ thày xem. Cơm xong, gia đình cô gái viết tên tuổi ngày giờ sinh của cô gái vào một tờ giấy rồi đưa cho nhà trai. Sau lễ đặt gánh, nhà trai tổ chức xem ngày, chọn mối và chuẩn bị những thứ mà nhà gái yêu cầu: tất cả những thứ nhà gái thách cưới được ghi vào một tờ giấy.
 
Lễ đặt gánh - ăn hỏi của người Cao Lan.
Lễ đặt gánh - ăn hỏi của người Cao Lan.
Người Cao Lan chọn mối (mòi) khá cẩn thận bởi vai trò của ông mối rất quan trọng trong suốt quá trình diễn ra việc cưới- ông mối sẽ được đôi vợ chồng trẻ coi như cha đẻ.

Báo ngày cưới: Chọn được mối, xem được tuổi của cô gái rồi, nhà trai sẽ sang nhà gái thông báo ngày cưới cụ thể. Bước này do ông mối đi cùng một người bên họ nhà trai mang theo một lễ gồm 1 con gà, 12 cái bánh dày, một lít rượu, 40 quả cau, 100 lá trầu để nhà gái đi báo cho bà con làng xóm biết.

Lễ cưới: Trước đây trong dân tộc Cao Lan, nhà gái cưới hôm trước nhà trai cưới hôm sau. Bao giờ cũng vậy, nhà trai đi đón dâu từ chiều hôm trước và sẽ ngủ lại nhà gái một đêm. Đoàn đón dâu của nhà trai gồm: ông mối (ông mòi), một người đưa đường khoảng 30-40 tuổi, giỏi ca hát (thường là chú của chàng trai) gọi là tằu pu, một người gánh lễ (tạm pu), em gái của chú rể (chíp mâu), chú rể (lậc cừi mộ), phù rể (pờn lậc cừi mộ). Trong đám cưới người Cao Lan, khi đi đón dâu bao giờ cũng phải mang theo đôi bánh dày dán giấy đỏ, có ngôi sao năm cánh gọi là ẹt sầy (mỗi chiếc bánh khoảng 2kg gạo nếp).

Đoàn đón dâu đến nhà gái, ông chú hoặc ông cậu cô dâu lấy ra một cái ghế đặt ở cửa. Trên ghế để một bộ ấm chén (4 chén), một xuyến nước pha sẵn. Sau khi nhà gái rót nước mời tằu pu lấy một cái bát đựng hai quả cau xin phép được vào nhà.

Hát sình ca trong đám cưới của người Cao Lan

Đám cưới của người Cao Lan bao giờ cũng có hát sình ca. Khi đoàn đón dâu của nhà trai đến cửa, muốn vào nhà phải biết hát. Nhà gái cho hai cháu gái nhỏ cầm hai dây vải, một dây xanh, một dây đỏ đứng căng dây ở bậc thang lên nhà. Bao giờ nhà gái cũng hát trước khoảng 4 bài nội dung chào hỏi, sau đó nhà trai hát trả lời (thường là tàu pu- người dẫn đường hát).

Cuộc hát kéo dài 1-2 giờ đồng hồ nhà gái mới để nhà trai vào nhà. Riêng em gái chú rể (chíp mâu) được đưa vào buồng cô dâu. Nhà gái đặt một cái sàng trên để 4 cái bát (đại diện cho hai họ nội ngoại) trong đó có một cái bát đựng tờ giấy ghi rõ ngày giờ cô dâu ra cửa, giờ cô dâu vào nhà chồng… để lên bàn thờ báo cáo và xin phép tổ tiên. Sau đó, mọi người uống rượu, ăn cơm. Khoảng 8-9 giờ tối thì cuộc hát bắt đầu cho tới sáng. Nội dung các bài hát là mời chào, chúc mừng.

Khoảng 5 giờ sáng nhà trai hát tiếp hai bài cuối để xin phép ông chú, ông cậu cô dâu cho cô dâu về nhà chồng. Lúc ấy mọi người lần lượt ra sân, nam giới ra trước đứng xếp hàng ở ngoài. Một lúc sau “chíp mâu” cùng “lìu mộ”- cô dâu và “nợ ơ”- bạn dâu đi ra đứng đối với nam giới. Cô dâu được bà bá hoặc bà dì mặc trang phục dân tộc cho. Ông mối làm phép đi vòng tròn quanh đoàn đón dâu một lượt rồi giơ ngang chiếc gậy “mọi tậu”. Tất cả những người đi đưa dâu đều phải chui qua chiếc gậy ấy. Đi qua sông suối, ông mối lấy gậy làm phép dọn đường cho cô dâu qua. Cô dâu vứt xuống một miếng trầu xin phép thần sông, thần suối.
 
Hát sình ca trong đám cưới của người Cao Lan.
Hát sình ca trong đám cưới của người Cao Lan.

Đến nhà trai, ông mối đánh tiếng rằng: chúng tôi đã đón cháu dâu về đây rồi, ông cậu (ông chú, ông bác) xin phép ma cho chúng tôi vào nhà. Lúc ấy ông cậu của chú rể đánh tiếng trả lời: Vậy thì vào thôi. Thế là tất cả vào nhà. Cô dâu được đưa ngay vào buồng và ít được ra ngoài để tỏ sự lễ phép, dịu dàng và gia giáo. Lúc ấy, nhà trai đã chuẩn bị sẵn một lễ gồm: một đôi gà nhỏ, một sỏ lợn, một con gà to. Trong nhà trai, hai đời có bao nhiêu người mất thì phải đặt bấy nhiêu bát cơm lên bàn thờ. Ông chú (hoặc ông cậu biết cúng) làm lễ nhập chủ mới trong đó nói rõ cô dâu tên gì, tuổi bao nhiêu, là thứ mấy trong gia đình, thuộc họ gì…

Nhà trai chuẩn bị một cái sàng, trên sàng có hai chén rượu, trong hai chén rượu có hai cái nhẫn, hai chiếc đĩa trên để miếng gan lợn và ít tiền mặt. Ông mối làm phép xong thì “chíp mâu” bưng vào trong buồng cô dâu rồi trao chiếc nhẫn trong chén rượu bên tay phải cho cô dâu, chiếc nhẫn trong chén rượu bên trái cho chú rể, hai người ăn hai miếng gan lợn tỏ ý hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Chiều đến, họ nhà gái gồm ông chú, ông cậu, bác và bạn cô dâu khoảng 6-8 người gọi là “Thsộng săn” lại sang bên nhà trai. Nhà trai mời cơm họ và lại tiếp tục cuộc hát từ 8-9 giờ tối cho tới sáng. Sáng hôm sau, cô dâu lấy hai cái bát đựng đôi cau, hai lá trầu xin phép về lại mặt. Khoảng một, hai ngày sau, nhà trai lại gói 12 bánh nếp mang sang nhà gái đón dâu về.Phong tục cưới xin của người Cao Lan ở Đèo Gia, Lục Ngạn là một phong tục đẹp mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.
Theo langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm