Bánh chưng đen - linh hồn ẩm thực ngày Tết của đồng bào Tày

Bánh chưng đen - linh hồn ẩm thực ngày Tết của đồng bào Tày
Là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày Tết. Nếu như bánh chưng vuông xanh là nét đẹp ẩm thực ngày Tết của người Kinh với nhiều ý nghĩa tầng lớp thể hiện triết lý âm dương, sinh sôi nảy nở của vũ trụ thì bánh chưng đen của đồng bào Tày ở Lào Cai lại độc đáo về nguyên liệu chế biến, giá trị về y học và hình thức gói bánh. Bánh chưng đen không những mang đậm hương sắc núi rừng vùng cao, mà còn thể hiện sự sáng tạo và thành kính của người dân tộc Tày với tổ tiên của mình khi dụng công, cầu kỳ làm ra món bánh đặc sản tưởng nhớ những người đã khuất mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bánh chưng đen - nét tinh tế trong ẩm thực của đồng bào Tày. Ảnh: baolaocai.vn
Bánh chưng đen - nét tinh tế trong ẩm thực của đồng bào Tày. Ảnh: baolaocai.vn

Ai có dịp lên thăm vùng đất du lịch cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) hẳn sẽ không thể quên được hương vị bánh chưng đen của đồng bào Tày nơi đây. Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông như bánh chưng xanh mà có hình dạng tròn, dài, gần giống với bánh gù của dân tộc Giáy. Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang hương vị vùng cao: Lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn đen, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây núc nác trên rừng.

Theo Đông y, núc nác vừa là cây thực phẩm, vừa là cây thuốc vô cùng quý trong văn hóa chữa bệnh của người Việt. Núc nác có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng, giải độc, sát trùng, nhuận phế, trị ho, giảm đau. Vì thế, khi làm nguyên liệu bánh chưng đen, bột than cây núc nác không chỉ tạo cho bánh một hương vị vô cùng độc đáo, mà tác dụng thanh nhiệt của loại cây này khiến thực khách khi thưởng thức bánh chưng đen không lo bị nóng như bánh chưng thông thường khác.

Chị Hoàng Thị Như, dân tộc Tày ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà, cho biết công đoạn làm bánh chưng đen cầu kỳ ở khâu đốt than núc nác và sàng sảy bột than. Trước khi gói, người làm bánh lấy thân cây núc nác mang về phơi khô rồi đốt cháy thành than. Những gia đình cẩn thận thì lấy than núc nác đang còn hồng bỏ vào ống tre tươi, chờ cho bên trong cháy dần thành than đen mới lấy ra giã nhỏ, trộn cùng gạo nếp để làm bánh chưng đen.

Gạo làm bánh chưng đen ngon nhất phải là gạo nếp nương của người bản địa. Than núc nác sau khi giã nhỏ, sàng sảy nhiều lần cho thật mịn, người gói bánh sẽ mang bột than trộn lẫn với gạo. Hai nguyên liệu sau khi trộn đều tiếp tục được cho vào cối giã lại một lần nữa để có độ dính với nhau. Lá dong rừng lấy về rửa sạch, nếu lá to mỗi bánh chỉ cần gói bằng một chiếc lá dong là đủ. Với loại lá nhỏ thì người làm thường dùng hai lá.

Bánh chưng đen của người Tày ở Lào Cai không thể thiếu thảo quả. Thảo quả không chỉ được coi là "nữ hoàng" của gia vị mà còn là một cây thuốc quý của người dân Tây Bắc, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, giải độc. Các bài thuốc Đông y cũng chỉ rõ loại gia vị này nếu sử dụng thường xuyên sẽ rất tốt cho tim mạch và máu. Để làm gia vị cho bánh chưng đen, thảo quả được nướng lên, bóc vỏ, đập dập rồi trộn vào gạo và thịt làm nhân bánh với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh.

Nhân bánh chưng đen được làm bằng thịt lợn đen ba chỉ, sau khi tẩm ướp gia vị cho ngấm, người ta mới đem gói bánh. Ngoài ra, bánh còn có nhân đỗ xanh được đồ chín. Kỹ thuật gói bánh chưng đen của mỗi gia đình đều có những nét riêng. Tuy nhiên, về cơ bản cách sắp xếp nguyên liệu làm bánh chưng đen tương tự với bánh chưng xanh người Kinh. Đầu tiên, trải lá dong ra, mặt xanh của lá sẽ là mặt ngoài để sau khi bánh chín, màu bánh đẹp hơn. Tiếp theo lớp gạo trải đều là hai miếng thịt làm nhân, rồi phủ tiếp một lớp gạo nữa lên trên. Kích thước bánh to nhỏ là tùy ý định của người gói bánh. Nếu bánh nhỏ, người làm có thể kẹp hai bánh cùng lúc mới buộc lạt và cho vào nồi luộc. Trước khi luộc, bánh được mang ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá. Thường bánh chưng đen sẽ được nấu trong khoảng một đêm. Do tro của cây núc nác có tác dụng khử mùi chua và độ nóng của gạo nếp nên ưu điểm của bánh chưng đen là thời gian sử dụng lâu hơn so với bánh chưng khác, có thể để được từ 5 đến 7 ngày trong điều kiện thời tiết ấm áp đầu xuân.

Nhấm nháp miếng bánh chưng đen Bắc Hà, người ăn sẽ cảm nhận được vị béo ngầy ngậy của thịt lợn ba chỉ, dậy mùi thơm của thảo quả và nếp nương. Cũng là loại bánh này, nhưng người Tày ở huyện Văn Bàn và huyện Bảo Yên của Lào Cai lại có cách thưởng thức cầu kỳ hơn một chút.

Theo ông Ma Thanh Sợi, nghệ nhân người Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, bánh chưng đen ăn trong dịp Tết ngon nhất vẫn là nướng. Bánh cứ để cả lá, đặt lên lớp than hồng, phủ than nóng lên, đến khi lớp lá ngoài cháy hết thì mùi thơm của gạo nếp, của thảo quả, của thịt mỡ lan tỏa trong không khí đánh thức cảm giác muốn thưởng thức của mọi người. Tết đến, ăn miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với tro núc nác thanh, mát, làm người ăn như thưởng thức được cả mùi nương đồi và đất trời trùng điệp của Tây Bắc.

Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện tại những ngày lễ, Tết, giỗ chạp… nhưng nay đã trở thành món ăn phổ biến mà bất cứ ai khi tới các khu du lịch của Lào Cai đều muốn mua về làm quà tặng người thân, bạn bè hay thưởng thức ngay tại chỗ. Cùng với nét đặc sắc về khí hậu, phong cảnh, văn hóa, ẩm thực đã góp phần tạo nên nét hấp dẫn riêng biệt, đưa Lào Cai trở thành vùng đất du lịch nổi tiếng Việt Nam.
Hương Thu
(TTXVN)
Dân tộc Tày Dân tộc Tày

Tên gọi khác: Thổ.

Dân số: 1.626.392 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Nhóm địa phương: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao và Pa Dí.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Hoạt động sản xuất: Người Tày là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng gỗ mà họ gọi là loỏng rồi mới dùng dậu gánh thóc về nhà. Ngoài lúa nước người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm nhưng cách nuôi thả rông cho đến nay vẫn còn khá phổ biến. Các nghề thủ công gia đình được chú ý. Nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm với nhiều loại hoa văn đẹp và độc đáo. Chợ là một hoạt động kinh tế quan trọng.

Ăn: Trước kia, ở một số nơi, người Tày ăn nếp là chính và hầu như gia đình nào cũng có ninh và chõ đồ xôi. Trong các ngày tết, ngày lễ thường làm nhiều loại bánh trái như bánh chưng, bánh giày, bánh gai, bánh dợm, bánh gio, bánh rán, bánh trôi, bánh khảo... Ðặc biệt có loại bánh bột hấp dẫn nhân bằng trứng kiến và cốm được làm từ thóc nếp non hơ lửa, hoặc rang rồi đem giã.

Mặc: Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài. Nhóm Ngạn mặc áo ngắn hơn một chút, nhóm Phén mặc áo màu nâu, nhóm Thu Lao quấn khăn thành chóp nhọn trên đỉnh đầu, nhóm Pa Dí đội mũ hình mái nhà còn nhóm Thổ mặc như người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình).

vna_potal_tuyen_quang_gin_giu_nghe_det_tho_cam_cua_nguoi_tay_o_thuong_nong_5693566.jpg
Phụ nữ Tày biết dệt vải, may quần áo từ khi mới 13-14 tuổi. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

: Người Tày cư trú ở vùng thung lũng các tỉnh Ðông Bắc, từ Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang đến Lào Cai, Yên Bái. Họ thích sống thành bản làng đông đúc, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà.

Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4, 5, 6 hoặc 7 hàng cột. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hay lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.

Phương tiện vận chuyển: Với những thứ nhỏ, gọn người Tày thường cho vào dậu để gánh hoặc cho vào túi vải để đeo trên vai, còn đối với những thứ to, cồng kềnh thì dùng sức người khiêng vác hoặc dùng trâu kéo. Ngoài ra, họ còn dùng mảng để chuyên chở.

Quan hệ xã hội: Chế độ quằng là hình thức tổ chức xã hội đặc thù theo kiểu phong kiến sơ kỳ mang tính chất quý tộc, thế tập, cha truyền con nối.

Trong phạm vi thống trị của mình quằng là người sở hữu toàn bộ ruộng đất, rừng núi, sông suối... vì thế có quyền chi phối những người sống trên mảnh đất đó và bóc lột họ bằng tô lao dịch, bắt phải đến lao động không công và tô hiện vật, buộc phải cống nạp. Chế độ quằng xuất hiện từ rất sớm và tồn tại dai dẳng mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Cưới xin: Nam nữ Tày được tự do yêu đương, tìm hiểu nhưng có thành vợ thành chồng hay không lại tuỳ thuộc vào bố mẹ hai bên và "số mệnh" của họ có hợp nhau hay không. Vì thế trong quá trình đi tới hôn nhân phải có bước nhà trai xin lá số của cô gái về so với lá số của con mình. Sau khi cưới, cô dâu ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi có mang sắp đến ngày sinh nở mới về ở hẳn bên nhà chồng.

Sinh đẻ: Khi có mang cũng như trong thời gian đầu sau khi đẻ, người phụ nữ phải kiêng cữ nhiều thứ khác nhau với ước muốn được mẹ tròn, con vuông, đứa bé chóng lớn, khoẻ mạnh và tránh được những vía độc hại.

Sau khi sinh được 3 ngày cúng tẩy vía và lập bàn thờ bà mụ. Khi đầy tháng tổ chức lễ ăn mừng và đặt tên cho trẻ.

Ma chay: Ðám ma thường được tổ chức linh đình với nhiều nghi lễ nhằm mục đích báo hiếu và đưa hồn người chết về bên kia thế giới. Sau khi chôn cất 3 năm làm lễ mãn tang, đưa hồn người chết lên bàn thờ tổ tiên. Hàng năm tổ chức cúng giỗ vào một ngày nhất định.

Nhà mới: Khi làm nhà phải chọn đất xem hướng, xem tuổi, chọn ngày tốt. Trong ngày vào nhà mới chủ gia đình phải nhóm lửa và giữ ngọn lửa cháy suốt đêm đến sáng hôm sau.

Thờ cúng: Người Tày chủ yếu thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra còn thờ cúng thổ công, vua bếp, bà mụ.

Lễ tết: Hàng năm có nhiều ngày tết với những ý nghĩa khác nhau. Tết Nguyên đán, mở đầu năm mới và tết rằm tháng 7, cúng các vong hồn là những tết lớn được tổ chức linh đình hơn cả. Tết gọi hồn trâu bò tổ chức vào mùng 6 tháng 6 âm lịch, sau vụ cấy và tết cơm mới, tổ chức trước khi thu hoạch là những cái tết rất đặc trưng cho dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Lịch: Người Tày theo âm lịch.

Học: Chữ nôm Tày xây dựng trên mẫu tự tượng hình, gần giống chữ nôm Việt ra đời khoảng thế kỷ XV được dùng để ghi chép truyện thơ, bài hát, bài cúng... Chữ Tày-Nùng dựa trên cơ sở chữ cái La-tinh ra đời năm 1960 và tồn tại đến giữa năm 80 được dùng trong các trường phổ thông cấp I vùng có người Tày, Nùng cư trú.

Văn nghệ: Người Tày có nhiều làn điệu dân ca như lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng... Lượn gồm lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới... là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người ta thường lượn trong hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản. Ngoài múa trong nghi lễ ở một số địa phương có múa rối với những con rối bằng gỗ khá độc đáo.

Chơi: Trong ngày hội lồng tồng ở nhiều nơi tổ chức ném còn, đánh cầu lông, kéo co, múa sư tử, đánh cờ tướng... Ngày thường trẻ em đánh quay, đánh khăng, đánh chắt, chơi ô...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm