Cánh đồng Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) quanh năm được tưới mát bởi dòng sông Nậm Rốm trĩu nặng phù sa. Từ mảnh đất chịu nhiều bom đạn năm xưa, giờ đây cánh đồng Mường Thanh đã là vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc, nguồn gốc của những hạt gạo dẻo, thơm mang thương hiệu gạo Điện Biên.
Cánh đồng Mường Thanh có diện tích 140 km2, nằm trải dài hơn 20 km trên các xã vùng lòng chảo Điện Biên. Với chiều rộng trung bình 6 km, diện tích đất sản xuất lúa khoảng hơn 4.000 ha, năng suất bình quân đạt hơn 63 tạ/ha, trung bình mỗi năm cánh đồng Mường Thanh cho gần 50.000 tấn thóc. Cùng một giống lúa nhưng khi được gieo trồng trên cánh đồng Mường Thanh thì sẽ cho sản phẩm khác biệt, năng suất hơn và những hạt gạo cũng dẻo hơn và thơm ngon hơn.
Từ năm 2017, tỉnh Điện Biên đã triển khai thí điểm dự án “Cánh đồng lớn” nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao với quy mô hơn 30 ha tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.
Là một trong những đơn vị tham gia xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, liên kết với bà con nông dân sản xuất, kinh doanh lúa gạo Điện Biên, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã áp dụng quy trình sản xuất lúa gạo chất lượng cao trên cánh đồng liên kết. Hợp tác xã áp dụng quy trình quản lý sản xuất an toàn thực phẩm VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại cho cây lúa. Từ 31 ha năm đầu tiên, đến nay, diện tích liên kết của Hợp tác xã đã được mở rộng lên 150 ha với 230 hộ nông dân tham gia và đăng ký thương hiệu gạo mang tên gạo Tâm Sáng. Sản phẩm này đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) cho biết, vùng lòng chảo Điện Biên có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong vùng lòng chảo xây dựng mô hình liên kết, sản xuất lúa gạo theo chuỗi. Thương hiệu gạo Điện Biên ngày càng được chú ý phát triển.
Mô hình dự án “Cánh đồng lớn” trên cánh đồng Mường Thanh với 3 giống lúa chủ lực chất lượng cao là Séng Cù, Bắc thơm số 7 và Hana 112. Qua mô hình liên kết sản xuất, không chỉ giúp cho nông dân khu vực lòng chảo Điện Biên yên tâm về đầu ra sản phẩm còn doanh nghiệp, Hợp tác xã có nguồn lúa gạo chất lượng cao để cung ứng ra thị trường
Gạo Điện Biên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu. Tỉnh Điện Biên hiện có 4 chuỗi cung ứng sản phẩm gạo an toàn, 10 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4 sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 1 đơn vị được cấp quyền khai thác chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao sẽ đạt khoảng 8.000 ha, tập trung sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và gắn với phát triển thương hiệu gạo Điện Biên.
Gạo Điện Biên sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh đang là thương hiệu nổi tiếng với những hạt gạo dẻo, thơm mang thương hiệu gạo Điện Biên và đang trở thành những "hạt ngọc trời", được người tiêu dùng nhiều nơi ưu tiên lựa chọn sử dụng.
Hoàng Tâm - Hương Hiền