Nhiều hợp tác xã tại Hà Tĩnh hưởng lợi lớn từ ứng dụng công nghệ cao

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều hợp tác xã tại tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Hiện ứng dụng khoa học công nghệ được coi là giải pháp đột phá, là điều kiện tất yếu để các hợp tác xã thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị.

vna_potal_nhieu_hop_tac_xa_tai_ha_tinh_ung_dung_cong_nghe_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_vuot_troi___7283384.jpg
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng của Hợp tác xã Nga Hải ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân(Hà Tĩnh). Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Hợp tác xã Nga Hải ở xã Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân) được biết đến là một trong những cơ sở đi đầu trong ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, hợp tác xã đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng xây dựng 5.000 m2 nhà màng khép kín để trồng dưa lưới và nho theo công nghệ của Israel. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết với các công ty lớn để nuôi lợn và gà thương phẩm với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Với quy mô 2.400 con lợn thương phẩm/lứa và 2 vạn con gà/lứa.

Theo ông Lê Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nga Hải cho biết các hệ thống sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hiện nay đều được ứng dụng các công nghệ hiện đại, theo quy trình tự động hóa. Đối với cây dưa lưới và nho trồng trong nhà màng sẽ có hệ thống tưới nước, chất dinh dưỡng đến từng gốc cây. Còn hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà cũng có dây chuyền cho thức ăn, nước uống tự động. Hiện doanh thu trung bình hàng năm của hợp tác xã đạt gần 10 tỷ đồng.

“Việc ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đã giúp hợp tác xã giảm được 70% sức lao động so với thông thường. Về sản lượng, nếu so sánh với quy trình bình thường thì sản xuất công nghệ cao có giá trị và năng suất gấp 4 đến 5 lần trên cùng một diện tích. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng, dịch bệnh cũng thuận lợi hơn vì không phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết”, ông Lê Văn Bình cho biết thêm.

vna_potal_ha_tinh_ung_dung_cong_nghe_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_vuot_troi_cho_nhieu_hop_tac_xa_7283376.jpg
Ông Lê Văn Bình, Giám đốc Hợp tác Nga Hải (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân), chăm sóc nho được trồng trong nhà màng. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Còn tại khu sản xuất Đồng Ghè (thành phố Hà Tĩnh) trước đây vốn được biết đến là vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn, nhiễm mặn. Mặc dù diện tích đất canh tác ở đây khá lớn, tuy nhiên do chất đất cằn cỗi nên người dân chỉ lựa chọn được một số vùng để nuôi thủy sản quảng canh, sản xuất lương thực manh mún, nhỏ lẻ. Từ những năm 2020, thành phố Hà Tĩnh đã ban hành các cơ chế, chính sách tích tụ đất đai, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn thay đổi tư duy sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mới đã được người dân triển khai trên địa bàn như nuôi cua trong hộp, nuôi tôm ba giai đoạn, trồng sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch … Từ đó, mở ra hướng sản xuất mới, đưa người dân đến gần hơn với tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Trại nuôi cua thương phẩm ba giai đoạn của Hợp tác xã Hà Hoàng trên diện tích hơn 1.000 m2 đất tại khu sản xuất Đồng Ghè là một trong những mô hình tiên phong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Hợp tác xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, hệ thống chuồng nuôi cua bằng hộp nhựa.

Giám đốc Hợp tác xã Hà Hoàng Nguyễn Văn Hòa, chia sẻ nhờ sử dụng công nghệ cân bằng khoáng và hệ thống lọc nước tuần hoàn nên phương thức nuôi này tiết kiệm được không gian, lượng nước đầu vào. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, thức ăn, quá trình sinh trưởng và phát triển được vật nuôi. Nhờ đó, rút ngắn được thời gian nuôi từ 6 - 8 tháng so với nuôi tôm quảng canh.

“Hiện trung bình mỗi năm chúng tôi nuôi 4 lứa, xuất bán ra thị trường khoảng 1,2 tấn cua thương phẩm các loại. Với giá bán 600.000 đồng/kg, mỗi năm mô hình này cho thu nhập hơn 700 triệu đồng. So với cùng diện tích nếu trồng lúa thì thu nhập gấp 10 - 15 lần”, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Cùng với nuôi cua trong hộp, Hợp tác xã Hà Hoàng còn mạnh dạn đầu tư, triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh cho sản lượng đạt 8,5 tấn/ha. Sau hơn 75 ngày, tôm đạt trọng lượng 50 - 60 con/kg, năng suất đạt trên 8,5 tấn/ha tôm thương phẩm, doanh thu gần 1 tỷ đồng/vụ.

vna_potal_ha_tinh_ung_dung_cong_nghe_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_vuot_troi_cho_nhieu_hop_tac_xa_7283377.jpg
Mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh tại xã Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh). Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Trần Viết Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố Hà Tĩnh, cho biết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác hết diện tích đất đai thì việc ứng dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ là giải pháp mang tính then chốt. Chính quyền địa phương đã nhân rộng phương thức sản xuất mới trên các vùng nuôi, góp phần ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mang lại năng suất, chất lượng cao. Từ đó, phát triển ngành nông nghiệp thành phố Hà Tĩnh theo hướng bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tại tỉnh Hà Tĩnh hiện có trên 35 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, quản lý. Tiêu biểu như công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; quản lý, giám sát chăn nuôi thông qua hệ thống camera, máy tính; ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển bán tự động trong quá trình tưới nước và bón phân trong nhà lưới, nhà màng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 110 sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm này đều ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh hiện vẫn còn nhiều cơ sở đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Ngoài ra, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn hạn chế.

vna_potal_ha_tinh_ung_dung_cong_nghe_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_vuot_troi_cho_nhieu_hop_tac_xa_7283373.jpg
Trại nuôi cua trong hộp nhựa của Hợp tác xã Hà Hoàng (thành phố Hà Tĩnh) có diện tích hơn 1.000 mét vuông. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp. Trong số đó, chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận, thụ hưởng 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.Ngoài ra, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác xã trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho để hợp tác xã thực sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm