Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Thanh niên "xứ dừa" Bến Tre đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Thanh niên Phạm Văn Hải, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre có tiếng ở địa phương như một nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, vừa tìm tòi vừa học hỏi, anh đầu tư xây dựng hai nhà màng, với hơn 800m2/nhà để trồng dưa lưới. Anh Hải đào ao lót bạt trữ nước tưới vào mùa hạn mặn, dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel.

Theo anh Hải, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp sản phẩm có chất lượng đảm bảo, do trồng trong nhà màng nên ngăn ngừa dịch bệnh, sâu rầy, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giảm được chi phí trong sản xuất làm tăng lợi nhuận.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ảnh 1Nông dân xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vắt sữa bò. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Anh Hải cho biết, vốn đầu tư cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống và nhân công ban đầu khoảng 350 triệu đồng. Cới 60 - 70 ngày/vụ, mỗi trái nặng từ 1,6 - 1,7kg, canh tác được 4 - 5 vụ/năm. Sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 3 tấn/vụ/nhà màng, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi hơn 50 triệu đồng/vụ.

Anh Trần Hữu Trường, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) được phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn ứng dụng theo cách nuôi mới theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn trên tôm càng xanh. Hiệu quả mang lại đạt gấp 2-3 lần so với trước.

Anh Trường cho hay, anh có ao nuôi xen vườn dừa với diện tích 2.000 m2. Trước đây, anh áp dụng theo cách nuôi cũ hiệu quả không cao, tôm hao hụt nhiều, tôm đạt chuẩn sản lượng ít. Sau khi áp dụng nuôi theo cách mới, giai đoạn đầu nuôi ươm tôm nhỏ trong ao bạt, sau khi tôm đạt 60 ngày thả xuống ao nuôi. Nhờ thay đổi cách nuôi tôm hao hụt ít, tỷ lệ sống hơn 90%. Bên cạnh đó, tổ chức bẻ càng để tôm phát triển đạt tỷ lệ tôm loại 1 chiếm đa số.

Anh Trường chia sẻ, từ khi ứng dụng nuôi tôm càng xanh theo hướng công nghệ cao theo hướng nuôi tôm toàn đực, kỹ thuật nuôi chia nhiều giai đoạn giúp tôm phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt ít, năng suất từ đó tăng lên, lợi nhuận cao hơn trước đây 2-3 lần. Sau khi áp dụng cách nuôi mới với 2.000 m2 anh Trường thả nuôi từ 12-15 nghìn con giống lợi nhuận mỗi vụ nuôi hơn 50 triệu đồng.

Với hiệu quả mang lại mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao của anh Trường đang được nhân rộng tại các vùng nước lợ của huyện Thanh Phú.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ảnh 2 Sơ chế sản phẩm dừa hữu cơ tại Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Bến Tre cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang được người dân, đặc biết thanh niên tích cực áp dụng. Việc này không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất. Theo đó, nhân rộng các mô hình hiệu quả đến người dân, giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, úng dụng ngày càng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, giúp giảm giá thành tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tạo môi trường cho thanh niên tiếp cận kỹ thuật mới, hiện đại, từ đó hình thành lớp thanh niên có tay nghề trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến với người dân.

Huỳnh Phúc Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm