Bến Tre xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị

Bến Tre xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị

Theo Tỉnh ủy Bến Tre, sau một năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 cho thấy, nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng tăng lên.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 07-NQ/TU, gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, các địa phương tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân.

Bến Tre xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị ảnh 1Mô hình luân canh tôm - lúa của thành viên Hợp tác xã Lúa tôm Thạnh Phú. Ảnh: Công Trí-TTXVN

Ngoài ra, tỉnh tập trung củng cố, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tuyên truyền bằng hành động, mô hình thiết thực. Đồng thời, tỉnh tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến sản xuất nông nghiệp và quy hoạch dân cư, phù hợp lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đối khí hậu.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre tập trung đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng nâng cao hiệu quả, lợi ích giữa các tác nhân, các khâu trong chuỗi; tạo ra sự khác biệt về lợi ích của nông hộ, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị.

Mặt khác, địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

Đặc biệt, tỉnh hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn, nhất là trong lĩnh thủy sản.

Theo đánh giá của Tỉnh Ủy Bến Tre, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, việc tuyên truyền được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã tác động tích cực đến nhận thức của hệ thống chính trị các cấp và người dân trong việc chung tay xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hoá, năng suất, chất lượng, hiệu quả; khả năng cạnh tranh của sản phẩm không ngừng nâng lên.

Bước đầu, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung, cơ bản hình thành các liên kết trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nhất là vùng sản xuất hữu cơ; tập trung nâng cao giá trị sản phẩm qua hỗ trợ sản xuất, cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực.

Hiện nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22.800 ha. Tỉnh có 6 sản phấm nông nghiệp được xây dựng chỉ dẫn địa lý; triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Ngành chức năng tỉnh đã cấp 45 mã vùng trồng, với diện tích hơn 614 ha cho cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh; 21 mã cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre chú trọng xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 91 tổ hợp tác và 56 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.

Cụ thể, chuỗi dừa, tỉnh Bến Tre có 47 tổ hợp tác và 27 hợp tác xã với quy mô hơn 6.404 ha và 6.905 thành viên. Tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung gồm: 5 vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 1.500 ha và 1 vùng sản xuất dừa uống nước tập trung với diện tích 20 ha, gắn phát triển chuỗi giá trị.

Riêng chuỗi bưởi da xanh, tỉnh đã hình thành 32 tổ hợp tác và 9 hợp tác xã, với 1.467 hộ thực hiện liên kết với diện tích hơn 542 ha. Đến nay, xây dựng 3 mã số vùng trồng thị trường EU, với diện tích 69,6 ha tại các xã An Hiệp, Quới Sơn huyện Châu Thành; Sơn Đông, thành phố Bến Tre; cấp 186.000 tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dụng mã số vùng trông cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã bưởi da xanh tại huyện Châu Thành và Giồng Trôm (khoảng 59,3 ha).

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm