Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Theo đó, Bến Tre nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tỉnh đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố cần xác định đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Do đó, chủ động phối hợp, bám sát mục tiêu của chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đạt kết quả.
Cụ thể, năm 2022, Bến Tre đặt mục tiêu mỗi huyện, thành phố phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao được UBND tỉnh công nhận và trình Trung ương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Riêng đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, tỉnh phấn đấu có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận, nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tham gia hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Mặt khác, tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể sản xuất trên địa bàn về ý nghĩa và sự cần thiết chương trình OCOP.
Bến Tre tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, đến nay tỉnh có 131 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, với 54 chủ thể tham gia; trong đó, có 67 sản phẩm 3 sao và 64 sản phẩm 4 sao (có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao).
Tại Bến Tre, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị của nhiều loại sản phẩm của địa phương. Nhiều địa phương đã phát huy các lợi thế theo nhóm sản phẩm để phát triển thành sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng ở các địa phương, thu hút nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia.
Đáng chú ý, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều được hỗ trợ chuẩn hóa, như: xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm; tài liệu quản lý chất lượng nội bộ; viết câu chuyện để quảng bá sản phẩm; thiết kế hệ thống website, hộp đựng sản phẩm; hoàn thiện và in tem truy xuất nguồn gốc; phân tích các chỉ tiêu theo quy định; chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HACCP…
Công Trí