Bến Tre phát triển các sản phẩm tiềm năng

Bến Tre phát triển các sản phẩm tiềm năng
Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, trên cơ sở đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 (OCOP Bến Tre) và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.
Sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng - một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN
Sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng - một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN
Cụ thể, đối với các sản phẩm tiềm năng 1-2 sao, tỉnh Bến Tre đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong cộng đồng; phát huy các lợi thế đặc trưng của tỉnh tiến tới cộng đồng tự chủ động trong phát triển sản phẩm truyền thống; thúc đẩy liên kết sản xuất, phát triển các tổ chức kinh tế cộng đồng như hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là trong các làng nghề truyền thống. Đối với các nhóm sản phẩm tiềm năng 3 sao, ngành chức năng tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tăng cường kiến thức về tổ chức sản xuất, kinh doanh và thị trường cho các chủ thể tham gia OCOP; kết nối và tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học về cải tiến công nghệ, quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh, phát triển và thương mại hóa sản phẩm, nhằm nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm. Riêng đối với các nhóm sản phẩm tiềm năng 4 sao trở lên, Bến Tre tập trung phát triển và hoàn thiện thành sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao thông qua hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, phân phối và tiếp thị để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các chủ thể tham gia OCOP sẽ được tỉnh hỗ trợ để có thể tham gia đánh giá các sản phẩm OCOP cấp quốc gia; kết nối với đối tác, đơn vị khác trong tỉnh, trở thành mắc xích quan trọng giúp phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.. Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 (OCOP Bến Tre) và định hướng đến năm 2030, với tổng nguồn vốn thực hiện đề án hơn 267 tỷ đồng; trong đó, vốn thực hiện hơn 34,6 tỷ  đồng và nguồn vốn xây dựng, triển khai các dự án, đề án thành phần hơn 232 tỷ đồng. Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với đối tượng thực hiện bao gồm: các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương, tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm- nội thất- trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, nhóm sản phẩm nông nghiệp, truyền thống khác. Cùng đó, chủ thể thực hiện gồm tất cả chủ thể sản xuất sản phẩm của địa phương, tập trung vào chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, đến năm 2020, đề án đặt mục tiêu 100% số xã có sản phẩm tham gia chương trình; tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm truyền thống, chủ lực, đặc trưng và có tiềm năng phát triển sản xuất quy mô trung bình và lớn của tỉnh Bến Tre; đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn này, toàn tỉnh có từ 20 - 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi thế cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị; hình thành mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế cộng đồng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm phát triển kinh tế địa phương bền vững. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh có 265 sản phẩm tiềm năng, chia thành 6 nhóm chính gồm: Thực phẩm; đồ uống; đồ lưu niệm - trang trí - nội thất; thảo dược, mỹ phẩm, chế phẩm thảo mộc; du lịch và dịch vụ nông thôn. Đáng chú ý, kết quả khảo sát một số sản phẩm tiêu biểu tại 9 huyện, thành phố cho thấy, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, thế mạnh riêng. Mặc dù, phần lớn các sản phẩm dịch vụ còn nhiều hạn chế nhưng cũng có rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển thành các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh.
Công Trí
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm