Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam vừa ký quyết định ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, đưa Bến Tre trở thành tỉnh có trình độ sản xuất hữu cơ trong khu vực và cả nước.
Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng từ 11-13% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng từ 1-2% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn hữu cơ từ 0,2 - 0,5% tổng sản phẩm chăn nuôi bò.
Tỉnh phấn đấu diện tích dừa sản xuất hữu cơ giai đoạn 2022-2025 là 20.000 ha, đến năm 2030 đạt 30.000 ha. Diện tích bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS giai đoạn 2022 - 2025 đạt 50 ha, đến năm 2030 đạt 200 ha… Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 127,4 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước hơn 62,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh ưu tiên các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng,vật nuôi để sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ. Tỉnh ưu tiên chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu dịch bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Ngoài ra, tỉnh hình thành vùng sản xuất hữu cơ tập trung với các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm đặc trưng có tiềm năng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Thêm vào đó, tỉnh xây dựng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ tại vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với sản phẩm chủ lực; đồng thời, khuyến khích hình thức sản xuất quy mô họp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, gia trại, trang trại sản xuất sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm khai thác từ tự nhiên có giá trị gia tăng cao và giá trị truyền thống.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ qua các kênh truyền hình, báo, đài, truyền thông cơ sở...
Bên cạnh đó, trên cơ sở các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được hình thành và quy hoạch, tỉnh tiến hành đánh giá điều kiện chăn nuôi, đất đai, nguồn nước, nguồn thức ăn, nhằm xác định vùng sản xuất hữu cơ để đầu tư phát triển.
Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hữu cơ, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, hiện Bến Tre là một trong những tỉnh có diện tích canh tác hữu cơ khá lớn với hơn 14.000 ha chủ yếu là dừa, lúa, rau màu,... Các sản phẩm chế biến từ dừa đuợc xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu... Đối với các sản phẩm rau, lúa cũng đang được thị trường trong nước ưa chuộng.
Ông Huỳnh Quang Đức cho hay, thực hiện việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ của tỉnh đã phát triển diện tích hơn 15.337 ha. Trong số đó, diện tích đạt chứng nhận hơn 13.743 ha (chiếm 17,8% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh), diện tích đang chuyển đổi hơn 1.593 ha.
Với lợi thế về tính thích nghi và chất lượng sản phẩm dừa của Bến Tre, kết hợp với doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ và xây dựng phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với quy mô sản xuất lớn, công nghệ chế biến dừa chuyên sâu và khả năng khai thác thị trường khá tốt như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa Lương Quới, Công ty BEINCO... Đây yếu tố thuận lợi lớn đối với việc phát triển sản xuất dừa hữu cơ tại Bến Tre.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre còn có hơn 388 ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP chiếm 4,1% diện tích bưởi. Hiện mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đã được thực hiện với quy mô 10 ha tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam và xã Sơn Phú, huyện Giông Trôm.
Sản phẩm bưởi đạt chất lượng an toàn được các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh đặc biệt quan tâm liên kết tiêu thụ như: Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Bến Tre, Công ty Hương Miền Tây, Công ty Proci Food, cơ sở thu mua bưởi da xanh Long Thuận và các đối tác bán lẻ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Công Trí