Theo UBND tỉnh Bến Tre, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, địa phương đang triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tỉnh triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, PAPI, B1... trong chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bến Tre chủ động hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm kiếm, kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản và sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp. Tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung - cầu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng, sàn giao dịch điện tử.
Mặt khác, tỉnh Bến Tre đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho 1.000 doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cùng với đó, Bến Tre tập trung phát triển cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tỉnh đẩy mạnh hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; thực hiện dự báo, đánh giá thị trường và tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử. Ngành chức năng tỉnh tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, để chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre rà soát, đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm, ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre, tính đến đầu tháng 8/2022, tỉnh có 5.556 doanh nghiệp còn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, với vốn đăng ký hơn 63.104 tỷ đồng. Theo đó, 4.276 doanh nghiệp đang hoạt động, với vốn đăng ký hơn 54.267 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, quy mô vốn đầu tư, năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, trình độ quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chuyển đổi số còn hạn chế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp.
Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh chiếm đa số với 3.954 doanh nghiệp, vốn đăng ký 11.359,4 tỷ đồng (tỷ lệ 92,47%/ doanh nghiệp đang hoạt động); 230 doanh nghiệp vừa, vốn đăng ký 8.144 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 5,38%); 92 doanh nghiệp lớn, vốn đăng ký 34.794 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 2,15%).
Đáng chú ý, hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí đầu vào, giá vật tư, nguyên liệu, phân bón tăng cao, làm giảm năng suất, giảm thu nhập, dẫn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn có thương hiệu quốc gia, quốc tế đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, toàn cầu.
Công Trí