Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm OCOP mang thương hiệu thanh niên

Tỉnh Hà Tĩnh nổi tiếng với nhiều sản vật truyền thống lâu đời. Mảnh đất này còn ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi sự năng động và sáng tạo của thế hệ trẻ trong phát triển kinh tế. Nổi bật trong số đó là phong trào thanh niên khởi nghiệp và xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

vna_potal_ha_tinh_nhieu_san_pham_ocop_mang_thuong_hieu_thanh_nien_7288861.jpg
Mô hình làm làm nước mắm cà cuống của chị Lê Thị Thơ, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Với những ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên Hà Tĩnh đã thành công trong việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP của quê hương, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030, các cấp huyện, thị, thành Đoàn có hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với xây dựng sản phẩm OCOP được tổ chức sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên.

Mô hình làm giò chả của anh Nguyễn Hữu Duẩn ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Có những ngày cơ sở sản xuất giò, chả của anh Duẩn cung cấp ra thị trường 600 cây giò và hàng chục kg chả. Hàng năm, cơ sở có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

vna_potal__ha_tinh_nhieu_san_pham_ocop_mang_thuong_hieu_thanh_nien_7288864.jpg
Mô hình làm giò, chả của anh Nguyễn Hữu Duẩn ở xã Lưu Vĩnh Sơn huyện Thạch Hà. Ảnh: Công Tường-TTXVN

Anh Nguyễn Hữu Duẩn cho biết: Anh từng đi làm phục vụ nhà hàng ở Thái Lan. Đến năm 2019, anh trở về quê và quyết tâm mở cơ sở sản xuất giò, chả. Được sự hỗ trợ nguồn vốn từ đoàn thanh niên anh xây dựng thương hiệu giò chả “Thành Duẩn”, nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh mô hình sản xuất giò, chả của anh Nguyễn Hữu Duẩn, tỉnh Hà Tĩnh còn rất nhiều mô hình đạt giải thưởng cao trong lĩnh vực khởi nghiệp như: Mô hình “Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo” của anh Nguyễn Thành Luân, xã Quang Diệm huyện Hương Sơn; Trại nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn hay Dự án “Nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch trải nghiệm T3 Farm” của anh Trần Thanh Truyền, Huyện Đoàn Đức Thọ...

Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 mô hình kinh tế thanh niên quy mô lớn và hơn 1.700 mô hình quy mô vừa và nhỏ làm ăn có hiệu quả. Ngoài các mô hình truyền thống, địa bàn tỉnh hiện có hơn 300 mô hình thanh niên khởi nghiệp sáng tạo có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số vào sản xuất để có những hướng đi mới, lĩnh vực mới sáng tạo, đưa lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, số hóa sản phẩm, tham gia sâu vào chuyển đổi số để cho năng suất, chất lượng, nâng cao giá thành sản phẩm, quảng bá rộng rãi thương hiệu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn đoàn viên, thanh niên.

vna_potal__ha_tinh_nhieu_san_pham_ocop_mang_thuong_hieu_thanh_nien_7288863.jpg
Mô hình làm làm nước mắm cà cuống của chị Lê Thị Thơ, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà. Ảnh; Công Tường-TTXVN

Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh chia sẻ, các cấp bộ Đoàn tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách về khởi nghiệp, lập nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các kênh thông tin, trang mạng xã hội; hướng dẫn các quy trình, xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh niên... nhằm hỗ trợ các bạn trẻ xây dựng ước mơ, hoài bão, cổ vũ niềm đam mê sáng tạo và khát vọng, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Tỉnh Đoàn tổ chức tư vấn các quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp thanh niên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục, phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi của tổ chức Đoàn quản lý.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP tại Hà Tĩnh đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Công Tường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm