Đặc sắc lễ cầu an, cầu phúc của đồng bào dân tộc Tày

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022, ngày 16/4/2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Tày đến từ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tái hiện Lễ cầu an, cầu phúc đặc sắc của dân tộc mình.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 1Không gian diễn xướng tâm linh trong lễ cầu an, cầu phúc. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ cầu an, cầu phúc là một sinh hoạt dân gian gắn bó mật thiết với cộng đồng người Tày. Lễ được tổ chức vào cuối tháng Giêng đầu tháng Hai âm lịch hằng năm. Đây là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng của về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm… Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, một sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của đồng bào Tày vùng cao phía Bắc, mỗi khi xuân về.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 2Lễ Cầu an, cầu phúc được đông đảo bà con tham dự, thể hiện sự quan tâm của mọi người với nhau. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ Cầu an của người Tày trước kia thường được tổ chức khi đêm xuống và làm trọn một đêm, nhưng ngày nay, nghi lễ này đã chuyển sang ngày, cũng là do điều chỉnh theo sinh hoạt thường nhật, theo nhu cầu của gia chủ. Việc thực hiện vào ban ngày giúp đảm bảo sức khỏe cho gia chủ và thầy cúng.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 3Nàng hương - người giúp lễ cho thầy là người con gái thùy mị, nết na, trong trắng và chưa lập gia đình. Ảnh: Hoàng Tâm

Với người Tày, lễ Cầu an là một nghi lễ hết sức quan trọng đầu năm, người Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi thì sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ, hổ vồ không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy… Lễ cầu an, cầu phúc thường được đồng bào Tày tổ chức trong nhà, tại gia đình của chủ nhà. Mặc dù gia chủ có thể không mời hoặc mời rất ít, chủ yếu là anh em trong nhà song khi làm lễ, bà con trong bản lại thường đến rất đông, việc góp mặt của bà con trong bản chính là thể hiện sự quan tâm chia sẻ giữa con người với con người.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 4Thầy cúng thể hiện phần cúng Then. Ảnh: Hoàng Tâm

Trong nghi lễ cầu an, cầu phúc tùy thuộc thầy là dòng Pựt, Then hay Mo… thì nhạc cụ thực hiện và bài cúng cũng theo dòng đó. Cũng có những thầy sẽ thực hiện được cả ba phần Pựt, Then, Mo. Ở mỗi phần sẽ có những nội dung khác nhau, ta có thể cảm nhận được rõ rệt sự có mặt của các đấng siêu nhiên, cảm nhận được từng trường đoạn với những khúc tấu khi thủ thỉ lúc hào sảng của ông thầy.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 5Thầy cúng thể hiện phần cúng Mo. Ảnh: Hoàng Tâm

Tại lễ Cầu an có Nàng hương (Chậu Slay), chàng Khóa. Nàng hương, người sẽ giúp lễ thầy, phải là người con gái thùy mị, nết na, trong trắng và đặc biệt phải chưa chồng.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 6Thầy cúng thể hiện phần cúng Pựt. Ảnh: Hoàng Tâm

Khi xem các thầy thực hiện lễ Cầu an, sẽ có hai sự cảm nhận trong không gian nhà sàn, đó vừa là không gian của văn hóa tâm linh, vừa là không gian nghệ thuật của một tộc người với đầy đủ các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 7Thầy cúng làm lễ buộc sợi chỉ đỏ cổ tay để đem lại may mắn cho chủ nhà. Ảnh: Hoàng Tâm
Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 8Thầy cúng buộc sợi chỉ đỏ may mắn cho mọi người dự lễ. Ảnh: Hoàng Tâm

Về không gian diễn xướng tâm linh có sự phân biệt rõ ràng: nả nưa (phía trên bếp lửa, đối diện chạn bát, thường là trước ban thờ) là nơi thầy, người phụ lễ (chậu slay/Nàng hương) và chủ nhà thực hiện nghi lễ. Còn Nả khoang (phía trái và phải lấy bếp làm trung tâm) là dành cho anh em họ mạc, bà con thôn bản đến dự. Nả tẩu (Phía dưới, đối diện với nả nưa) là nơi của chị em, đàn bà con gái. Không gian ấy được phân chia theo trật tự rõ ràng, chỉ cần nhìn vào đó có thể nhận biết vai trò, vị thế của từng người.

Dac sac le cau an, cau phuc cua dong bao dan toc Tay hinh anh 9Thầy cúng làm lễ xua đuổi những điều xấu. Ảnh: Hoàng Tâm

Lễ cầu an của đồng bào Tày là một trong những đặc sắc còn giữ lại được trong đời sống tinh thần và phát triển cao trên cơ sở nền tảng tâm linh và nghệ thuật diễn xướng. Đó cũng chính là lý do để mỗi khi tết đến xuân về, đồng bào Tày lại nô nức chuẩn bị mở và dự lễ cầu an với một niềm thành kính hướng về tổ tiên và cầu mong một năm mới an bình, no ấm.

Hoàng Tâm 

Tin liên quan

Tái hiện Nghi lễ “Lẩu Then” của đồng bào dân tộc Tày

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Tày đến từ tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức tái hiện nghi lễ Lẩu Then đặc sắc của dân tộc mình.


Tái hiện nghi lễ kéo co của dân tộc Tày huyện Bắc Hà

Sáng 16/2/2019 (12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại sân chợ Văn hóa Bắc Hà, Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai tổ chức tái hiện nghi lễ kéo co của dân tộc Tày, xã Bảo Nhai. Tháng 12/2015, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.


Đặc sắc lễ hội giã cốm của người Tày ở vùng cao Côn Lôn

Được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm, lễ hội giã cốm ở xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang) là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn. Trong tiết trời Thu, lễ hội giã cốm không chỉ mở đầu cho vụ thu hoạch mới mà còn là khoảng thời gian để đồng bào nơi đây có dịp giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết.


Tái hiện lễ cưới dân tộc Tày

Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Đoàn nghệ nhân dân tộc Tày, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) vừa tổ chức tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc mình. Đây là một trong những hoạt động văn hóa nằm trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam - 2016”.



Đề xuất