Củi hứa hôn, củi tình yêu của phụ nữ Gié Triêng

Củi hứa hôn, củi tình yêu của phụ nữ Gié Triêng
“Củi hứa hôn là phong tục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng trước khi về nhà chồng. Người con gái đảm đang, khéo tay sẽ chọn lựa nhiều củi đẹp, đều. Củi càng nhiều, đẹp, thì vợ chồng sống với nhau hòa thuận”, già A Nghe (86 tuổi) ở làng Dục Nhầy 2, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) kể về cái hay của phong tục củi hứa hôn của người con gái Giẻ Triêng trước khi về nhà chồng.
Gùi củi hứa hôn về nhà chồng của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN
Gùi củi hứa hôn về nhà chồng của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Củi tình yêu

Chạy dọc các làng của người Giẻ Triêng ở huyện Ngọc Hồi, hình ảnh dễ bắt gặp với mọi người là những đống củi to, được xẻ, cắt ngắn, che chắn cẩn thận ở quanh nhà sàn của người dân.

Lấy chồng được gần một năm nhưng đống củi mà Y Hạo (20 tuổi) ở làng Dục Nhầy 2 vẫn đẹp. Theo Y Hạo, từ năm 15 tuổi, cô đã được cha mẹ hướng dẫn chuẩn bị củi hứa hôn. Với người con gái Giẻ Triêng củi hứa hôn như thể hiện tấm lòng, tình yêu của người con gái đối với chàng trai được chọn. Mỗi khi đi rẫy, mẹ Y Hạo đều cùng con lên rừng, chỉ từng cây, hướng dẫn từng bước để em có thể chọn những cây rừng đẹp nhất đốn về làm củi hứa hôn. Cây được chọn là cây dẻ, thông đỏ, thẳng, lột sạch vỏ, thân sáng là đẹp nhất. Mỗi cây dài khoảng 80 cm.

Ngày về nhà chồng, hơn 100 bó củi hứa hôn của Y Hạo rất đẹp, đều; các khúc củi thẳng, sáng, chẻ đều, không tách rời. Món quà cưới mang theo của Y Hạo làm cho nhà A Kham (chồng em) nở mặt với mọi người. “Con Y Hạo khéo tay. Với bó củi đều, đẹp sau này vợ chồng sống hòa thuận, có của ăn, của để, con cái khỏe mạnh”, mọi người trầm trồ khen các bó củi hứa hôn của Y Hạo mang theo khi về nhà chồng.
Củi hứa hôn của chị Y Hạo ở làng Dục Nhầy 2, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN
Củi hứa hôn của chị Y Hạo ở làng Dục Nhầy 2, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

“Ngày xưa phải lên rừng lấy cây dẻ, thông đỏ, đây là các loại cây tốt để làm củi hứa hôn, nhưng nay rất khó tìm, mình chỉ có vài bó tượng trưng từ cây rừng, còn lại là cây bời lời. Đến ngày cưới thì nhà gái sẽ gùi những bó củi này đến nhà trai”, Y Hạo cho biết. Trong khi đó, A Kham, chồng Y Hạo cho rằng người con trai khi tìm hiểu vợ cũng để ý đến củi hứa hôn. “Nhìn vào bó củi hứa hôn, người con trai có thể nhận biết được phẩm chất, tài năng của người con gái. Những bó củi thẳng, chẻ đều, đẹp chứng tỏ người con gái đó khỏe, khéo tay, siêng năng và đã trưởng thành”, A Kham cho biết thêm.

Ngày nay, người Giẻ Triêng không dùng rìu đốn mà cưa máy nên công việc nhẹ nhàng. Ngoài con gái, người trong nhà cùng tham gia giúp con cháu chuẩn bị củi hứa hôn. Với người dân, đây như là tài sản hồi môn đặc biệt của người con gái trước khi về nhà chồng. Củi nhiều, đẹp, cháy tốt sẽ giúp sưởi ấm quan hệ trong gia đình. Ngày nay, một số phụ nữ người dân tộc Giẻ Triêng khi lấy chồng người Kinh cũng chuẩn bị ít củi hứa hôn cho riêng mình. “Nó là nét văn hóa đẹp tượng trưng cho tình yêu lứa đôi bền chặt của người con gái”, cô Y Noam (60 tuổi) ở làng Dục Nhầy 2 khẳng định.

Củi hứa hôn, củi tình yêu của phụ nữ Gié Triêng ảnh 3
Củi hứa hôn của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên -TTXVN

Giữ rừng, giữ văn hóa

Việc lưu giữ nét văn hóa củi hứa hôn, củi tình yêu của người phụ nữ Giẻ Triêng những năm qua bị sức ép trước việc xâm phạm tài nguyên rừng. Để không phá rừng nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống, người Giẻ Triêng đã nghĩ ra cách làm hay khi dùng cây trồng (thường là cây bời lời) làm củi hứa hôn. Cây bời lời hiện được người dân trồng nhiều ở các sườn đồi, nương rẫy, quanh nhà. Việc chọn cây trồng giúp người con gái Giẻ Triêng nơi đây bớt vất vả, không phải lo lên rừng đốn củi.

Hiện tại, các loại cây thông đỏ, dẻ rất khó tìm, người con gái Giẻ Triêng chuẩn bị củi hứa hôn chỉ có vài bó tượng trưng từ cây rừng, còn lại đều phải dùng củi từ cây bời lời. Bời lời khi đến ngày khai thác (bóc vỏ) thì thân có thể bán hoặc dùng làm củi hứa hôn rất thuận tiện cho người con gái. Việc trồng bời lời cũng được người dân chú trọng trong nhiều năm qua. Cây bời lời là tài sản, trồng bời lời giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chị Y Thu ở làng Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, cho biết trồng bời lời giúp gia đình có của ăn, của để. Khai thác xong, dùng bời lời làm củi hứa hôn cũng giúp người con gái Giẻ Triêng bớt vất vả vì ngày nay lên rừng rất khó kiếm được củi hứa hôn. Mình phá cây rừng làm củi hứa hôn sẽ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Cây bời lời thường to đều, thẳng, sáng nên khi làm củi hứa hôn rất đẹp.

Theo già A Nghe, ngày xưa không có cây trồng nên phải lên rừng tìm củi hứa hôn. Mỗi lần đi mất 2-3 ngày. Người con gái cùng gia đình và bạn phải đi tìm cây thông đỏ, dẻ nên vất vả, nguy hiểm. Ngày nay, người trong làng đã giảm số lượng củi hứa hôn và dùng củi từ cây trồng (bời lời) để thay thế, nên người con gái Giẻ Triêng không vất vả khi chuẩn bị củi hứa hôn.

Ông Huỳnh Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết, trước đây tình trạng đốn cây rừng làm củi hứa hôn khá nhiều, gây áp lực cho lực lượng chức năng. Nay người dân chọn cây bời lời làm củi hứa hôn nên lực lượng kiểm lâm cũng đỡ vất vả. Cây bời lời được người dân trồng nhiều. Ngoài việc khai thác đem lại thu nhập, thân cây được dùng làm củi hứa hôn là điều tốt.

Chuẩn bị củi hứa hôn, củi tình yêu, là nét văn hóa lâu đời của người phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng ở Kon Tum trước khi về nhà chồng. Trải qua nhiều năm, nét văn hóa trên vẫn được người con gái Giẻ Triêng ở huyện vùng biên Ngọc Hồi duy trì, dù khác xưa.

Cao Nguyên

(TTXVN)
Dân tộc Gié-Triêng Dân tộc Gié-Triêng

Tên tự gọi: Mỗi nhóm có tên tự gọi riêng như Gié, Triêng, Ve, Bnoong.

Tên gọi khác: Cà Tang, Giang Rẫy.

Nhóm địa phương: Gié (Giẻ), Triêng (T’riêng), Ve, Bnoong (Mnoong). Nhóm Gié đông hơn cả.

Dân số: 50.962 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi với tiếng Xơ Ðăng, Ba Na. Giữa các nhóm tiếng nói có những sự khác nhau nhất định. Chữ viết hình thành trong thời kỳ trước năm 1975, cấu tạo bộ vần bằng chữ cái La-tinh.

Lịch sử: Người Gié-Triêng là cư dân gắn bó rất lâu đời ở vùng quanh quần sơn Ngọc Linh.

Hoạt động sản xuất: Họ làm rẫy là chính. Xưa trồng nhiều lúa nếp, nay lúa tẻ giữ vị trí chủ đạo, gồm nhiều giống khác nhau. Cách thức canh tác như ở các dân tộc miền núi khác trong vùng. Công cụ chủ yếu gồm rìu và dao quắm để phát, gậy đẽo nhọn đầu hoặc có mũi sắt để chọc lỗ khi gieo trỉa, cái cuốc con có cán là đoạn chạc cây để làm cỏ. Tất cả cây trồng đều ở rẫy, ngoài lúa còn có ngô, sắn, bo bo, kê, khoai lang, khoai môn, bầu bí, dưa, thuốc lá, bông, mía, chuối... Vật nuôi phổ biến là gà, lợn, chó, trâu, chỉ khi dùng vào việc cúng tế mới mổ thịt. Nguồn thức ăn kiếm được nhờ hái lượm, săn bắn và đánh bắt cá đóng vai trò quan trọng. Người Gié-Triêng có sở trường về đan lát, nghề dệt vải phát triển ở nhiều nơi, vùng Ðắc Pét có truyền thống đãi vàng sa khoáng và làm đồ gốm ở trình độ chưa biết dùng bàn xoay và chưa biết xây lò nung. Quan hệ hàng hoá trước kia dùng vật đổi vật, nay đã dùng tiền.

Ăn: Mỗi ngày người Gié-Triêng ăn 3 bữa (sáng, trưa, tối). Họ ưa thích các món nướng đối với cá, thịt. Canh cũng là món thường có trong các bữa cơm. Tập quán ăn bốc tồn tại lâu đời (nay việc dùng đũa, bát khá rộng rãi). Ðồ uống truyền thống là nước lã, rượu cần chế từ gạo, ngô, sắn, kê và rượu chế từ nước một loại cây họ dừa mọc hoang trên rừng. Nam nữ đều hút thuốc lá bằng tẩu.

: Tại huyện Ðắc Glây tỉnh Kon Tum có nhóm Gié và Triêng, tỉnh Quảng Nam có nhóm Bnoong ở huyện Phước Sơn và Trà My, nhóm T’riêng và Ve ở huyện Giằng. Hình thức nhà sàn dài gồm nhiều "bếp" là lối kiến trúc truyền thống phổ biến, đặc biệt ở vùng người Gié và Bnoong có khi cả làng ở trong một vài ngôi nhà. Về sau, nhà trệt đã xuất hiện. ở nhiều nơi, trừ nhóm Bnoong, trong làng thường dựng nhà công cộng cao to và đẹp. Tập quán bố trí nhà tạo thành một vòng ôm quanh khoảng trống ở giữa là một nét văn hoá lâu đời của họ ở Giằng và một số nơi ở Ðắc Glây.

Mặc: Theo nếp cổ truyền, nam quấn khố, ở trần, trời lạnh thì choàng tấm vải cho ấm người; nữ mặc áo, quấn váy, có nơi dùng loại váy ống dài để che luôn cả thân trên, từ ngực trở xuống. Phụ nữ ưa đeo nhiều trang sức: các loại vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ, tay, chân, tai, phụ nữ các gia đình khá giả có cả hoa tai bằng nhà voi. Y phục theo kiểu người Việt hiện tại đã thâm nhập tận các làng xa xôi hẻo lánh.

Phương tiện vận chuyển: Người Gié-Triêng dùng gùi. Có những loại và cỡ gùi khác nhau: gùi đan thưa, đan dày, gùi đeo theo người hàng ngày, gùi để đồ tại nhà, gùi có hoa văn nan nhuộm đen, gùi không dùng nan nhuộm, gùi cho riêng nam giới...

Quan hệ xã hội: Dân làng thuộc các họ khác nhau, từng họ có truyền thuyết về cội nguồn của mình, có tên gọi và có kiêng cữ riêng. Xưa kia, có những họ của nữ, có những họ của nam. Quan hệ cộng đồng trong làng thường xuyên và khá chặt chẽ. "Già làng" có uy tín cao nhờ hiểu biết, nhiều kinh nghiệm, cũng thường là người có cộng lập làng. Xã hội cổ truyền có nhiều biểu hiện về tàn dư thời mẫu hệ và bước chuyển tiếp từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ.

Cưới xin: Trai gái tự tìm bạn đời, cha mẹ thường chấp thuận nếu không vi phạm tập tục. Việc cưới xin trải qua nhiều bước, bao giờ cũng có lễ kết gắn cô dâu chú rể với nhau (thông qua việc họ đưa cơm với gan gà cho nhau cùng ăn và uống chung bát rượu, hoặc có nơi họ trùm chung tấm chăn), và cô gái phải tự chuẩn bị 100 bó củi đẹp từ trước để đem đến nhà trai. Nhà trai thường tặng nhà gái đồ đan và nhận được của nhà gái những sản phẩm dệt. Trước kia, đôi vợ chồng cư trú luân phiên mỗi bên vài năm.

Sinh đẻ: Chồng phải làm lều ngoài rừng cho vợ đẻ. Sản phụ tự lo một mình trong sinh nở, sau 10 ngày mới được mang con về nhà. Ðứa bé được coi là thành viên của gia đình sau khi đã tiến hành một nghi lễ cúng cho nó gia nhập vào cộng đồng những người thân thuộc trong nhà.

Ma chay: Phong tục ở các nhóm không hoàn toàn giống nhau. Song nét chung là quan tài đẽo độc mộc, có nơi tạc hình đầu trâu trên đầu. Người chết được mai táng (có tài liệu viết xưa kia hoả táng); nhà mồ dựng không cầu kỳ, có rào xung quanh. Những đồ vật đem ra mộ cho người chết nếu là chiêng, ché thì đều đập thủng hoặc vỡ. Trong quá khứ, người ta từng biết đến tục chôn chung những người chết cách nhau không lâu trong gia đình vào một quan tài. Suốt 10 ngày khi làng có người mới chết, trước khi tang gia cúng "nhắc nhở" cho hồn người chết ở yên bãi mộ, dân làng không vào rừng, không đi làm xa nhà. Nghi thức đoạn tuyệt với mộ người chết thường được tổ chức vào dịp đầu năm tại cạnh ngôi mộ.

Thờ cúng: Người ta quan niệm có nhiều "thần linh" và mọi vật, cũng như con vật, con người đều có siêu linh ẩn trú. Các vị thần nước, thần trời (đồng nhất với sấm sét), thần mặt trời, thần đất, thần làng, thần làng, thần lúa, thần đá, thần cây đa... được người Gié-Triêng cầu cúng. Mỗi làng thường có vật "thiêng" như thứ bùa hộ mệnh, được cất dấu ở rừng và giữ bí mật với người ngoài. Dòng họ, gia đình cũng có vật "thiêng" để cầu mùa gắn với canh tác lúa. Ma người chết cũng được coi là một thế lực chi phối đối với cuộc sống. Liên quan đến thế giới siêu nhiên đó, có rất nhiều lễ thức tín ngưỡng theo tập tục.

Lễ tết: Mỗi khi cúng bái đều có hiến tế, mà máu con vật hiến tế là quan trọng nhất. Lễ trọng phải đâm trâu, và xa xưa có nơi phải cúng bằng máu người trong lễ thức đặc biệt liên quan đến thần lúa. Trong chu kỳ sản xuất hàng năm thường có lễ thức khi chọn đất rẫy, phát rẫy, gieo trỉa, khi hạn hay úng, khi mở đầu tuốt lúa, khi đưa lúa lên kho, khi được 100 gùi lúa trở lên và khi lấy thóc lần đầu về ăn. Gắn với chu kỳ đời người, có các lễ thức trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, khi đặt tên, khi bị đau ốm, khi cưa răng, trong việc cưới xin, khi chết đi. Tết dân tộc thường sớm hơn tết Nguyên đán, tổ chức theo làng.

Lịch: Người Gié-Triêng căn cứ vào chu kỳ mặt trăng để tính ngày. Theo đó, tên gọi mỗi ngày cụ thể trong tháng phần lớn đều được lặp lại, tuy một ngày ở nửa đầu và một ngày ở nửa cuối tháng. Mỗi năm 12 tháng. Từng tháng có những công việc trọng tâm nhất định.

Văn nghệ: Bộ nhạc cụ phong phú, quý giá và quan trọng nhất là cồng chiêng. Tuỳ nơi, người ta dùng 3 cồng với 7 hay 9 chiêng, hoặc 6 chiêng, hoặc 4 chiêng... Có khi cồng chiêng tấu cùng với trống, với ống nứa. Nguyên ống nứa cũng là loại nhạc cụ để thổi, vỗ, gõ. Các loại đàn sáo, khèn đều đơn giản, thông dụng trong đời sống âm nhạc. Người Gié-Triêng, cũng như các tộc khác, có những làn điệu dân ca cổ truyền và nhiều truyện cổ.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm