Chỗ ngủ trong gia đình người Thái

Chỗ ngủ trong gia đình người Thái
Chỗ ngủ của “rể ngoài”…

Các gia đình người Thái xưa kia thường rất đông con cháu, phong tục ở rể vẫn còn đậm nét nên mỗi ngôi nhà sàn chứa tới gần hai chục người. Các ngôi nhà sàn được dựng đủ lớn để đủ không gian cho tất cả các thành viên sinh hoạt.
Trong nhà của người Thái có chia khu vực riêng của ông bà, bố mẹ, con cái và khách. Ảnh: Kim Khánh
Trong nhà của người Thái có chia khu vực riêng của ông bà, bố mẹ, con cái và khách. Ảnh: Kim Khánh
Nhà sàn xưa thường có hai cầu thang, một là cầu thang chính (Lay Chan) ở đầu nhà dành cho những người trong gia đình và khách. Cầu thang phụ (Lay Quản) được dựng ở phía cuối nhà hay dành cho con rể đang ở “rể ngoài” (Tức là mới trong giai đoạn đính hôn với một người con gái của gia đình, chưa cưới xin, người con trai về nhà cô gái ở 1 đến 2 năm làm việc cùng gia đình nhà vợ tương lai, đó là một giai đoạn để thử thách lòng kiên nhẫn, tình yêu và sự chăm chỉ của chàng trai trước khi được nhà gái gả con cho), đến khi cưới chính thức mới được dọn vào ngủ phía trong nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình. Phong tục ở “rể ngoài” ngày nay hầu như không còn nữa và kiến trúc nhà có hai cầu thang như vậy hầu như cũng không còn ở các bản Thái nữa.

Các thành viên trong gia đình…

Ngày nay trong các gia đình người Thái cách phân chia chỗ ngủ vẫn còn rất rõ rệt, điều đó thể hiện sâu sắc vai trò, vị trí của từng người trong mỗi gia đình. Nhà sàn của người Thái sẽ được chia thành hai bên, bên có bàn thờ là nơi để ngủ của các thành viên trong gia đình, nửa còn lại là nơi sinh hoạt chung, cũng thường là nơi để cho khách ngủ, thường chỉ có họ hàng thân thiết, người được gia chủ quý mến mới được ngủ cùng phía với gia đình chủ nhà. Ông bà hoặc người cao tuổi nhất trong gia đình sẽ nằm sát bàn thờ tổ tiên, kế đến là bố mẹ, sau đó mới đến các con. Con trai cả nằm gần bố mẹ nhất, kế đến là những người con tiếp theo, còn con gái thì ngủ ở phía ngoài cầu thang đi lên cũng cùng một dãy đó.
Cầu thang của ngôi nhà Thái luôn có số lẻ (7, 9 hay 11 bậc). Ảnh: Minh Phương
Cầu thang của ngôi nhà Thái luôn có số lẻ (7, 9 hay 11 bậc). Ảnh: Minh Phương

Phụ nữ góa chồng

Đối với phụ nữ, nếu chẳng may mà chồng mất rồi đi bước nữa khi về thăm con cháu sẽ không được phép ngủ ở chỗ cũ mà phải ngủ ở phía cầu thang đi lên, nơi vốn dành cho các con gái, cháu gái ngủ. Kể cả khi người phụ nữ đó với người chồng mới chung sống không hòa thuận với nhau dẫn đến bỏ nhau và phải trở về ở với con trai và con dâu thì cũng không bao giờ được trở lại chỗ ngủ cũ của ngày xưa nữa. Bởi vì khi người phụ nữ đó đi lấy chồng mới tức là đã cắt đứt hoàn toàn sợi dây nối với gia đình chồng cũ. Nếu có trở về thì cũng chỉ được coi như một người khách, trong khi đó vợ chồng con trai và con dâu sẽ phải di chuyển hoặc kéo giường, đệm lại gần chỗ gần nơi thờ phụng tổ tiên, nơi mà bố mẹ mình từng ngủ để thay thế. Còn nếu như người phụ nữ cứ ở vậy, không tái giá thì vẫn đóng vai trò là người chủ gia đình, vẫn được ngủ chỗ cũ. Riêng với đàn ông, dù họ có tái giá đến bao nhiêu lần thì cũng không bao giờ bị di dịch chỗ ngủ của mình, bởi dù thế nào thì họ vẫn luôn là người chủ gia đình đó.
Gian bếp cũng có thể là nơi ở của phụ nữ sau khi sinh.
Gian bếp cũng có thể là nơi ở của phụ nữ sau khi sinh.

Phụ nữ sau sinh

Đối với phụ nữ sau sinh, trong thời gian ở cữ sẽ ngủ ở gần bếp, phong tục này ngày nay vẫn còn khá phổ biến ở nhiều bản làng Thái, vì người ta cho rằng ngủ gần bếp lửa sẽ giúp giữ ấm cho cơ thể đứa bé mới sinh. Hơn nữa trong thời gian ở cữ, người phụ nữ thường phải kiêng khem nhiều, phải ăn những đồ khô được hun khói hoặc nướng, uống nước thuốc sắc, dùng nước ấm… nên ngủ gần bếp được cho là tiện lợi nhất. Thời xưa thường có trường hợp bốn góc bếp là bốn người phụ nữ vừa chửa đẻ cùng nằm, bởi có những gia đình đông con cháu, cả con gái và con dâu, thậm chí cả mẹ chồng cùng sinh đẻ vào một thời điểm. Thời gian ngủ gần bếp của những người phụ nữ sau sinh thường là hai tuần đến một tháng.

Ngôi nhà sàn có thể coi là một biểu tượng rõ rệt nhất của dân tộc Thái ở Việt Nam, ở đó thể hiện nhiều nét văn hóa độc đáo và phong tục linh thiêng ngàn đời của họ. Tuy nhiên, ngày nay cũng có rất nhiều gia đình không còn ở nhà sàn nữa, họ chuyển sang xây nhà tầng như người Kinh, những nhà như thế họ thường chọn để nơi thờ tổ tiên ở những tầng cao nhất. Nhiều gia đình còn để nơi thờ gần sát hoặc trong phòng ngủ của người chủ gia đình, đối với họ đó là trách nhiệm, cũng là một cách để thể hiện sự quan tâm và lòng thành kính của mình với ông bà, tổ tiên. Sự cố gắng gìn giữ những luật tục thiêng liêng mà cha ông ngàn đời để lại cũng thể hiện một nét đẹp trong niềm tin và lòng thành kính với nguồn cội của mỗi người con bản Thái.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm