Bảo vật của người Lô Lô trên cao nguyên đá Đồng Văn

Bảo vật của người Lô Lô trên cao nguyên đá Đồng Văn
Để góp phần tạo nên sự huyền bí đó không thể thiếu những nhạc cụ cùng tham gia trong những nghi lễ của đồng bào. Đó là trống đồng - nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của dân tộc Lô Lô dưới chân cột cờ Lũng Cú.
 
Bảo vật của người Lô Lô trên cao nguyên đá Đồng Văn ảnh 1
Các cô gái Lô Lô trong trang phục váy áo sặc sỡ chuẩn bị trống đồng cho lễ cúng tổ tiên. Ảnh: Nguyên Thanh

Chiều xuống, giữa bãi đất trống, buổi lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) nhộn nhịp, rộn ràng bước chân người nhảy múa cùng Ma Cỏ (thanh niên trong bản hóa trang với cỏ phủ đầy thân người, chỉ hở ra hai con mắt).

Những vạt thổ cẩm sặc sỡ sắc màu của các cô gái Lô Lô đung đưa theo nhịp bước của chân, nhịp nghiêng của thân người trong vũ điệu nguyên sơ của các cô gái Lô Lô làm sáng lên khung cảnh thâm trầm của non cao. Âm thanh trầm vang của tiếng trống đồng có niên đại hàng ngàn năm như nâng đỡ cho bước chân không biết mỏi của những người nhảy lễ.

Người Lô Lô ở Hà Giang hiện có khoảng trên 1.000 người, sống tập trung, quần tụ thành từng làng nhỏ. Đây là nét đặc trưng trong lối sống của người Lô Lô khiến cho những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Trong các bài dân ca của người Lô Lô, trống đồng được nhắc đến nhiều như một biểu tượng văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của người Lô Lô. Trải qua hàng ngàn năm với bao biến động, thăng trầm của lịch sử, trống đồng Lô Lô vẫn được đồng bào dân tộc nơi đây bảo tồn đến ngày nay.

Trống đồng Lô Lô thường có hai chiếc, một chiếc là trống cái (thắng dảnh), chiếc còn lại là trống đực (múi dảnh). Chiếc trống cái bao giờ cũng to hơn trống đực. Trống đồng Lô Lô được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi. Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu như: Đường thẳng song song, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu... Giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh.

Thầy cúng Vương Việt Dũng, chủ trì lễ cúng tổ tiên cho biết, trống đồng được sử dụng trong nhiều dịp lễ của dân tộc Lô Lô như: Lễ tế trời, lễ cúng thổ thần, lễ cầu mưa, lễ cúng tổ tiên, lễ rước đuốc, tang ma... Trước đây, mỗi dòng họ người Lô Lô ở Lũng Cú đều có một bộ trống đồng để phục vụ tang tế và các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trống đồng Lô Lô khác với trống đồng của các dân tộc khác ở những lỗ tròn thủng trên mặt trống. Điều này xuất phát từ quan niệm của người Lô Lô cho rằng bố là trời, mẹ là đất. Với người Lô Lô, mặt trời là trung tâm vũ trụ nên hình tròn giữa mặt trống chính là mặt trời, còn những tia trống là những con mắt của trời, các vành hoa văn xung quanh trống là các hành tinh vây quanh mặt trời.

Ông Vàng Dỉ Thuấn, người hiện đang cất giữ bộ trống đồng của dân tộc Lô Lô chia sẻ, người Lô Lô luôn xem trống đồng như một báu vật thiêng liêng mà tổ tiên truyền lại cho dân tộc mình. Ngày xưa, bộ trống đồng của mỗi dòng họ người Lô Lô đều do người trưởng họ giữ và bảo quản bằng cách bí mật chôn xuống một nơi đất sạch sẽ để đề phòng không bị mất cắp. Bởi, trống đồng là vật quý nhất của dòng họ.

Khi muốn lấy trống đồng dùng, người ta phải mời thầy cúng đến làm lễ xin phép tổ tiên. Người Lô Lô cũng rất sợ phải đưa trống đồng qua những nơi vực sâu, hang sâu hoặc những nơi có nước, sông, suối... Bởi đồng bào quan niệm, những nơi đó có rồng trú ngụ nên sợ rồng cuốn mất trống đồng. Cho nên khi đem trống đi xa, người ta phải buộc vải đỏ vào quai trống rồi trùm kín lại.

Trống đồng Lô Lô có 36 điệu đánh. Người Lô Lô rất kĩ trong việc lựa chọn người đánh trống đồng. Không phải ai cũng được đánh trống đồng. Người đánh trống sẽ được người trưởng họ chọn lựa, đó là thanh niên chưa vợ hoặc nếu có vợ thì vợ không trong thời kỳ mang thai. Khi đánh trống đồng, người đánh treo trống đực và trống cái quay mặt vào nhau, 2 tay cầm hai dùi để đánh. Dùi đánh trống thường là củ cây rừng gần giống thân cây chuối để khi đánh vào mặt trống đồng được bền.

Ngày nay, người Lô Lô chế tạo ra những chiếc dùi có đầu tròn để đánh trống. Khi dùng trống xong, người ta sẽ bí mật chôn trống xuống đất theo phong tục truyền thống, mặt trống úp xuống dưới, chân trống hướng lên trên.

Trống đồng còn là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực và sự giàu có của mỗi tộc họ Lô Lô. Trước đây, không phải tộc họ nào cũng có trống đồng. Những tộc có trống đồng được cộng đồng kính nể hơn. Vậy nên, nếu dòng họ nào không có trống đồng mà phải đi mượn trống của dòng họ khác thì phải làm một đôi gà (cả gà trống và gà mái) cúng xin phép gia chủ để mượn trống về thực hiện nghi lễ của họ tộc.

Trống đồng không chỉ là bảo vật thiêng liêng của dân tộc Lô Lô, mà còn trở thành Bảo vật quốc gia. Năm 2015, đôi trống đồng có niên đại thế kỷ V của cộng đồng người Lô Lô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Tỉnh Hà Giang cũng đã sưu tầm hàng chục chiếc trống đồng Lô Lô đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Ngày nay, đồng bào Lô Lô là dân tộc hiếm hoi còn sử dụng trống đồng trong các nghi lễ cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng trống đồng còn được lưu giữ trong các làng Lô Lô còn rất ít do bị mất trộm hoặc bị người dân bán đi vì có giá trị kinh tế cao. Theo anh Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải, để bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của trống đồng Lô Lô, cần phải thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Lô Lô bảo vệ, gìn giữ những chiếc trống đồng. Bên cạnh đó, khôi phục những nghi lễ, phong tục truyền thống của đồng bào Lô Lô có sử dụng trống đồng.

Những lễ hội, phong tục cùng những vũ điệu hoang dã của người Lô Lô trên rẻo cao biên cương cực Bắc đã và đang được tái hiện, phục dựng ngày hôm nay như một minh chứng cho sự trường tồn của trống đồng có niên đại hàng ngàn năm tuổi của dân tộc Lô Lô, cũng là tiếng lòng của những con người luôn đau đáu với việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị truyền thống ngàn năm của cha ông để lại trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo bienphong.com.vn

Có thể bạn quan tâm