Cũng giống như các tộc người khác, đồng bào Lô Lô thường tổ chức múa sạp trong các lễ hội, các buổi giao lưu. Có thể nói múa sạp ẩn chứa sự cố kết cộng đồng là sợi dây vô hình gắn kết mọi người gần nhau hơn. Dù khởi nguồn từ dân tộc Thái hay dân tộc Mường thì múa sạp vẫn chứa đựng một sức sống tiềm tàng với độ lan tỏa rất lớn, múa sạp không chỉ thu hút đồng bào Tây Bắc mà hình thức dân gian này còn cuốn hút đông đảo đồng bào Kinh tham gia. Khởi nguyên, múa sạp để ăn mừng chiến thắng Điện Biên (tháng 5-1954) để gắn kết tình quân và dân đến nay múa sạp đã được nghệ thuật hóa. Múa sạp không chỉ xuất hiện tại nhiều sân khấu, cuộc biểu diễn, mà còn theo chân các đoàn nghệ thuật dân tộc Việt Nam vươn ra trường quốc tế.
Để tổ chức múa sạp, đồng bào Lô Lô chuẩn bị hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái, cùng đó là nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa. Hai chiếc sạp cái đặt cách nhau một khoảng rộng vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cặp sạp con đặt song song, cách đều nhau khoảng 40 -50 cm, tạo thành dàn sạp. Số lượng các cạp sạp con tùy theo số lượng người đập sạp (thường là 5 cặp). Sạp được đặt trên một khoảng đất trống rộng rãi, bằng phẳng bởi múa sạp thu hút khá nhiều người tham gia.
Người tham gia thường là nam nữ trong bản, đượcc chia làm hai tốp: một tốp đập sạp còn một tốp nhảy sạp (hai tốp này có thể luân phiên đập sạp và nhảy sạp). Để người nhảy sạp dễ dàng thể hiện những vũ điệu khỏe khoắn thì những người đập sạp phải đều tay, tùy theo những bước nhảy khó hay dễ mà đập nhanh hoặc chậm cho phù hợp. Những người đập sạp thường được kết hợp bởi một cặp đôi trai gái mỗi người cầm một đầu, hai tay cầm hai đầu sạp, cứ 3 nhịp gõ sạp con lên sạp cái thì 1 nhịp gõ 2 sạp con vào nhau.
Người nhảy sạp vừa theo đúng tiết tấu của người đập sạp vừa thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn và dẻo dai của mình. lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, mỗi người cầm một chiếc khăn màu dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình uốn lượn quấn quýt, biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn, tất cả đều diễn ra trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp chân vào. Cứ hễ hai tốp gõ sạp và nhảy múa thay nhau trong tiếng cồng, tiếng trống nhịp nhàng, sôi động. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người rất hào hứng, say sưa.
Nhảy sạp không những vui mà còn luyện cơ thể dẻo dai khỏe mạnh. Điệu múa sạp cơ bản rất đơn giàn, thường chỉ sử dụng chỉ có vài động tác. Nhưng khi về với các đoàn văn công, điệu múa sạp còn được nâng cao về kỹ thuật vũ đạo, nhạc nền, phục trang, đạo cụ, trang trí sân khấu đế phục vụ đồng bào cả nước và khách quốc tế.
Theo Langvietonline.vn