Vòng đồng - trang sức không thể thiếu của người M’nông

Vòng đồng - trang sức không thể thiếu của người M’nông
Dấu ấn văn hóa qua chiếc vòng đồng

Trong cuốn Lịch sử Việt Nam (tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1971) viết rằng: “Thời Hùng Vương ai cũng xăm mình, ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn. Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng ăn trầu”. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đều có tập quán trang sức bằng vòng đồng, vòng bạc. Những chiếc vòng được đeo ở cổ tay, cổ chân và trên cổ vừa để làm đẹp vừa thể hiện chủ nhân của nó sang hay hèn, giàu có hay nghèo khổ. Dân tộc M’nông là một trong số ít dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên có tập quán trang sức bằng vòng đồng được quấn thành một ống dài để đeo trên ống chân, ống tay.
 
Đeo vòng tay trong lễ cưới
Đeo vòng tay trong lễ cưới

Lối trang sức này có từ thời xa xưa. Trong sử thi cổ sơ (ot nrong) của dân tộc M’nông, có rất nhiều đoạn miêu tả rất cụ thể về trang phục, trang sức của các nữ thần, người đẹp của buôn làng. Đây là hình ảnh của Bing và Djăn - hai nhân vật đẹp người, đẹp nết trong sử thi nói về lễ hội Tâm Ngết, lễ hội cộng đồng lớn nhất của đồng bào M’nông: “Mang vòng chân cao đến đầu gối/ Mang vòng tay dài đến cùi chỏ/ Quấn váy hoa dài tận gót chân/ Các ngón tay đều đeo đầy nhẫn/ Bing và Djăn đẹp không ai bằng/ Họ vào rừng thì khu rừng sáng chói/ Xuống vũng nước thì vũng nước sáng theo/ Ở dưới nước sáng như mặt trăng/Ở trong nhà sáng như mặt trăng...”.
 
Phụ nữ trẻ tuổi M’nông vẫn thích đeo vòng ống chân.
Phụ nữ trẻ tuổi M’nông vẫn thích đeo vòng ống chân.

Chiếc vòng ống (kông) nguyên là sợi dây đồng dài, khi đeo thì có người khéo tay giúp quấn vòng tròn theo ống chân và ống tay. Phổ biến nhất là đeo ở ống chân, còn đeo ở tay thì tùy theo ý thích của từng người. Chiếc vòng chân thường dài hơn, phải từ mắt cá chân lên đến tận đầu gối. Phía trên đầu gối còn đeo thêm hai bên hai chiếc vòng đơn, khi đi lại, chiếc vòng này sẽ chạm vào chiếc vòng dài tạo nên một tiếng nhạc leng keng nhẹ nhàng, nghe rất vui tai. Chiếc vòng dài ở tay thì có thể lấy ra dễ dàng hơn, còn chiếc vòng dài ở chân luôn ở bên chủ nhân nó mọi nơi mọi lúc. Giá trị của đôi vòng chân, vòng tay bằng đồng thường chỉ bằng một con lợn to có vòng đo 3 đến 4 gang tay.

Nét độc đáo của vòng đồng trong phong tục người M’nông

Chiếc vòng ngoài chuyện làm đẹp, làm sang còn liên quan rất nhiều đến văn hóa, lễ hội, phong tục của dân tộc M’nông. Trong luật tục, cưới hỏi, chiếc vòng luôn là kỷ vật trao đổi, cam kết, ghi nhớ, như một biểu tượng cho lòng tin, sự thủy chung son sắc. Do vậy, nghi thức cưới của dân tộc M’nông, tục trao vòng cũng trở nên bắt buộc: “Một bên đưa dao, một bên trao vòng - một bên đưa lao, một bên trao cườm”. Chiếc vòng cũng là “hiện vật” rất ấn tượng, có duyên trong ca dao của dân tộc M’nông. Đây là câu ca nói về chuyện vợ chồng, đôi lứa: “Chiếc vòng đã hợp với tay rồi/ Xâu hạt cườm đã hợp với cổ rồi/ Đôi bông đã hợp với tai rồi/ Vợ phải lo dệt khố cho chồng”.
 
Vòng tay của người M’nông
Vòng tay của người M’nông

Cư dân bản địa Nam Tây Nguyên còn có vô số bài thơ, câu chuyện nhắc đến chiếc vòng. Ví dụ, một dòng ca dao sau nói về kỷ niệm: “Măng ai bẻ còn bỏ lại dấu/ Nước ai tát còn để lại giếng/ Vòng ai đeo còn in dấu tay”
 
Vòng ống chân của cụ bà M’nông
Vòng ống chân của cụ bà M’nông

Trang sức bằng vòng đồng là nét độc đáo trong văn hóa tộc người của dân tộc M’nông, trong đó phải kể đến loại vòng ống. Cùng với những vốn văn hóa khác, lối trang sức này là một nét riêng của tập quán, kiểu cách làm đẹp của dân tộc M’nông và các tộc người phía Nam Tây Nguyên như dân tộc Mạ, dân tộc Stiêng... Cuối thế kỷ XX, thậm chí đầu thế kỷ XXI, tập quán trang sức vòng ống bằng đồng vẫn còn xuất hiện ở các cụ bà. Ngày nay, vòng ống bằng nhôm, bạc được thay thế cho vòng đồng. Phụ nữ còn trẻ, thậm chí thiếu nữ vẫn thích mang loại vòng ống để làm đẹp, nhất là khi xuất hiện ở các ngày hội của làng hoặc tham gia thi trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Những chiếc vòng ống chân của người M’nông khi được tháo ra.
Những chiếc vòng ống chân của người M’nông khi được tháo ra.

Người M’nông rất thích đeo các đồ trang sức, nó không chỉ thể hiện tập quán, nếp sống, trình độ thẩm mỹ mà còn là của cải, tài sản có giá trị theo quan niệm truyền thống.
Theo Langvietonline.vn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm