Năm 1964-1965, chữ viết của người Raglai được hình thành; từ đây, mở ra một nền văn hóa đồ sộ suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Raglai. Đặc biệt là các tác phẩm sử thi, truyện cổ, các làn điệu dân ca, luật tục… Trong đó, nhiều tác phẩm đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, biên soạn với độ dài lên tới hàng ngàn trang.
![]() |
Nghệ nhân Tà Yên Kinh ở xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) chế tác khèn bầu. |
Không những vậy, dân tộc Raglai có một kho tàng lễ hội dân gian phong phú và độc đáo, trở thành nét văn hóa hết sức đặc sắc của đồng bào Raglai. Đáng chú ý như lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống… Trong đó, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã được bộ VHTTDL công nhận là di sản phi vật thể.
![]() |
Đội nghệ nhân tộc họ Pi- năng ở xã Phước Thắng (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) biểu diễn đặc sắc nhạc cụ mã la. Ảnh: Sơn Ngọc |
Tuy có một kho tàng lịch sử, văn hóa, nhạc cụ đồ sộ như vậy, nhưng cũng như nhiều dân tộc ít người khác, hiện các bản sắc văn hóa của đồng bào Raglai không có người kế thừa và đang dần mai một. Đặc biệt là vấn đề chữ viết, hát - kể chuyện sử thi, truyện cổ hay cách chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ...
Nhiều lễ hội của đồng bào đang bị dần mai một do đồng bào không có kinh phí để tổ chức, hoặc đã bị lai căng, lợi dụng như những trò mê tín dị đoan; thế hệ trẻ không biết dựng nhà sàn truyền thống, không biết ý nghĩa của cây nêu, thậm chí là không biết ý nghĩa của các điệu mã la trong từng lễ hội…
Trước thực trạng trên, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc raglai. Trong đó, việc lưu giữ phải bắt nguồn từ gốc, từ đời sống, sinh hoạt của đồng bào, không qua sân khấu hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, mở các lớp dạy sử thi, đánh mã la và đặc biệt là chữ viết cho thanh thiếu niên tại các địa phương. Trong đó, có việc hỗ trợ trong nghiên cứu và kinh phí để bà con tổ chức lễ hội như chính quyền tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đang làm…
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư-Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chia sẻ, muốn bảo tồn được văn hóa của đồng bào, trước hết, chúng ta phải hiểu đồng bào, hiểu được các lễ hội và những tâm tư, nguyện vọng mà đồng bào đã gửi gắm vào lễ hội… và ứng xử với nó bằng văn hóa. Cần phải hiểu đồng bào sâu hơn mới tìm ra cách bảo tồn và phát triển văn hóa của đồng bào; đặc biệt là phải hiểu được ngôn ngữ, chữ viết. “Ngôn ngữ, chữ viết là toàn bộ văn hóa của dân tộc đó. Vì vậy, muốn bảo tồn văn hóa Raglai, chúng ta phải bảo tồn chữ viết của đồng bào Raglai”, giáo sư Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giáo sư cũng cho rằng, xã hội đang thay đổi, vì vậy, mọi cái trong đời sống - xã hội cũng cần thay đổi. Tuy nhiên, có những cái chất chứa tinh thần, tinh hoa độc đáo, đặc sắc của một dân tộc thì cần phải được lưu giữ. Tuy nhiên, cũng không nên lấy văn hóa của dân tộc này áp đặt cho dân tộc khác, thời kỳ này áp đặt cho thời kỳ khác… mà cần tạo điều kiện cho đồng bào gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh việc hỗ trợ của chính quyền, có thể kêu gọi xã hội hóa để gây dựng lễ hội; tuy nhiên phải trả lễ hội lại cho đồng bào làm, lễ hội bắt nguồn từ cuộc sống phải trả nó lại với cuộc sống, có như vậy thì công tác bảo tồn mới có hiệu quả…
Nam Phong (Theo Báo Văn hóa)