Miếu nàng Cúc ở Đồng Than, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Ảnh: baophutho.com.vn |
Tục thờ vía lúa của người dân vùng đất Tổ được duy trì từ bao đời nay. Thông qua các nghi lễ tâm linh, người dân thờ linh hồn (vía) của cây lúa, hạt lúa, gọi vía lúa về với con người và tổ chức các hoạt động như lễ Hạ điền, lễ Tịch điền. Tương truyền, từ trước năm 1945 tại đền Thượng vẫn còn thờ hạt lúa thần. Hạt lúa được đục bằng cây gỗ to, sơn son thiếp vàng. Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng giêng và mùng 10 tháng 10 âm lịch, các Vua Hùng đều tổ chức lễ tế hạt lúa thần để cầu mong mùa màng tươi tốt, lúa lúc nào cũng đầy bồ mang lại ấm no cho muôn dân.
Hiện nay, ở vùng đất Tổ Phú Thọ vẫn gìn giữ các nghi lễ thờ vía lúa như tục rước lúa thần ở Tứ Xã vào ngày 12 tháng giêng, lễ Tịch điền ở làng Minh Nông vào ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch, lễ Hạ điền ở xã Hy Cương vào ngày 25 tháng 5 âm lịch, tục thờ bánh chưng, bánh giầy... Các nghi lễ tuy được tổ chức vào những khoảng thời gian và địa điểm khác nhau nhưng đều hướng về cây lúa, hạt lúa. Người dân nơi đây coi hạt lúa có linh hồn, có vía nên tin rằng vía lúa sẽ luôn có mặt trong mỗi xóm làng, mỗi gia đình để phù hộ cho mùa màng được bội thu, nhà nhà được no đủ.
Ở xứ Mường xã Thu Cúc (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) có một ngôi miếu thiêng tọa lạc ở khu Đồng Than, tựa lưng vào ngọn núi đá cao sừng sững. Đó là thờ nàng Cúc, người được nhân dân xứ Mường vùng này tôn kính, phụng thờ vì đã có công mang lại ấm no hạnh phúc cho bản làng. Người dân quanh vùng vẫn coi ngôi miếu thiêng này là nơi thờ “vía lúa” của bản Mường. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, ở xứ Mường Thu Cúc vốn đất đai tươi tốt, rừng rú rậm rạp, núi non hiểm trở, người dân tộc Mường di cư từ xứ Mường Bi, Mường Bang (Hòa Bình) sang sống quần tụ dưới chân những ngọn núi cao sừng sững, sinh sống bằng hái lượm, trồng lúa nước, thuần phục thú rừng. Một năm, trời không có mưa, đất đai hạn hán, cỏ cây héo úa, mất mùa, đói kém, nhiều người phải rời bỏ đất Mường để đi nơi khác sinh sống. Trước tình cảnh đó, ở Thu Cúc có một người con gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ đã tình nguyện rời bản Mường đi tìm giống lúa về để cứu dân làng. Nàng đi ngày này qua ngày khác, không quản ngại nắng mưa, thú dữ, trèo đèo lội suối, đến các bản Mường khác để tìm bằng được hạt lúa về cho dân làng. Một ngày kia, nàng trở về trên tay cầm theo chùm lúa giống nhưng đến cửa Mường nàng bị hãm hại. Người dân xứ Mường chỉ tìm thấy bó lúa giống và đôi dép của nàng. Người ta chia đều hạt giống cho các gia đình để gieo trồng. Từ đó, giống lúa quý mà nàng Cúc tìm được đã nhân giống khắp bản Mường, cho những mùa màng bội thu, nhân dân xứ Mường được no ấm đời đời. Biết ơn nàng Cúc, người dân Mường Thu Cúc đã lập miếu thờ nàng ở Đồng Than, ngay nơi cửa Mường. Ngôi miếu thờ nàng Cúc từ đó gắn với một tín ngưỡng mang đậm triết lý nhân sinh của người Mường, là tục thờ vía lúa, một tín ngưỡng độc đáo gắn với đời sống nông nghiệp của cư dân vùng đất Tổ.
Miếu thờ nàng Cúc cũng là nơi xuất phát một lễ hội thiêng liêng được người Mường tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân là lễ hội xuống đồng. Trước khi vào hội, nghi lễ cúng lễ nàng Cúc diễn ra tại miếu. Lễ vật dâng cúng là xôi nếp, gà tía cùng hoa quả, sản vật của bản Mường và một bó lúa giống buộc thành chùm to với những hạt chắc nịch. Sau khi cúng tế, người dân làm lễ xin rước vía lúa về nơi đồng ruộng để bắt đầu cho một mùa gieo cấy. Bó lúa giống được đặt trên chính giữa mâm, do các chàng trai to khỏe, lực lưỡng rước ra khu lễ hội. Sau khi tổ chức xong các thủ tục, người ta chia đều hạt lúa giống cho người dân mang xuống gieo cấy trên thửa ruộng của nhà mình.
Theo baodaklak.vn