Bàn thờ của gia đình dân tộc Dao Tiền, xóm Bản Chang, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình |
Nét đặc trưng nhất của người Dao Tiền trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chính là thờ Bàn Hồ (tổ tiên) và Bàn Vương (người có công lớn đối với người Dao). Trên mỗi bàn thờ được đặt trang trọng ở gian giữa gồm một bát hương và một chén đựng nước. Ông Bàn Hữu Ngọc, dân tộc Dao, Trưởng xóm Bản Chang, xã Thành Công (Nguyên Bình) cho biết: Theo thế hệ trước truyền lại Bàn Hồ là một long khuyển, từ trên trời giáng xuống trần, được Bình Vương yêu quý, nuôi trong cung vua. Một lần, Bình Vương nhận được chiếu thư của Cao Vương, nên đã hội triều tìm cách đánh Cao Vương. Bàn Hồ xin đi giết Cao Vương. Bình Vương hứa, nếu Bàn Hồ giết được Cao Vương sẽ gả công chúa cho. Khi Bàn Hồ đến, Cao Vương cho là điềm may và giữ lại bên mình để nuôi. Một lần, Cao Vương uống rượu say bị Bàn Hồ cắn chết, rồi mang đầu về báo công với Bình Vương. Giữ lời hứa, Bình Vương gả con gái cho Bàn Hồ. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 6 con gái, 6 con trai, đều được Bình Vương ban sắc thành 12 họ, sinh sôi tạo ra những vùng cư trú rộng khắp của người Dao Tiền.
Người Dao Tiền quan niệm, Bàn Vương ảnh hưởng rất lớn tới mỗi cá nhân và gia đình, do đó, việc thờ cúng Bàn Vương giúp cho con cháu họ luôn tưởng nhớ tới nguồn cội và có trách nhiệm trong việc lưu truyền truyền thống đó cho các thế hệ về sau. Việc thờ cúng Bàn Vương phải chú trọng như thờ cúng tổ tiên mình làm cho các thành viên trong cộng đồng tộc người này trở nên gắn bó với nhau hơn. Do đó, việc thờ luôn được các gia đình người Dao Tiền thực hiện trang nghiêm.
Thờ cúng thổ thần của người Dao Tiền cũng gần giống như dân tộc Tày, Nùng với các miếu được xây dựng ngay đầu xóm, đặt dưới gốc cây to. Miếu thường xây dựng bằng cột gỗ lợp mái gianh rộng khoảng 1 - 2 m2. Nhưng lễ cúng thổ thần hằng năm được người Dao Tiền tổ chức khá lớn vào dịp đầu xuân năm mới. Mâm cúng nhất định phải có con lợn từ 30 kg trở lên, 2 con gà luộc, gói cơm nếp, giấy bản đã cắt… Lễ cúng do nhân dân trong làng đóng góp, cầu mong con người có sức khỏe, mùa màng tốt tươi, trâu, bò, lợn, gà phát triển.
Với quan niệm vạn vật đều có linh hồn, đồng bào Dao Tiền tin rằng trong thế giới đang sống luôn có những vị thần, như: thần gió, thần mưa, thần coi sóc lúa gạo và hoa màu, thần chăn nuôi. Vì thế, người Dao Tiền ở nhiều xóm của các huyện: Thông Nông, Nguyên Bình… hiện vẫn duy trì tục cúng các vị thần nêu trên, trong đó có lễ cúng thóc được tổ chức hằng năm vào ngày 15/8 âm lịch gần giống như lễ mừng cơm mới của người Tày, Nùng nhưng lại có những nghi lễ riêng. Tại lễ cúng, người Dao Tiền lấy một bó lúa nhỏ, các nông cụ sản xuất, hình người, mặt trời được làm bằng giấy và đặt trước bàn thờ tổ tiên. Trong suốt ngày cúng, các thành viên trong gia đình không ra khỏi nhà hoặc sang chơi nhà khác, vì sợ hồn lúa đi theo và ở lại nhà đó, mùa màng sẽ thất bát, canh tác thiệt hại.
Người Dao Tiền còn kiêng kỵ các ngày xấu trong năm, như: Ngày Kinh Trập - kỵ sâu bọ; ngày Xuân Phân - kỵ gió; ngày Cốc Vũ - kỵ lũ; ngày Lập Hạ - hại sức khỏe; ngày Tết Thanh minh… Những ngày kiêng kỵ này người Dao Tiền không đi làm bất cứ việc gì ở ngoài đồng, chỉ ở nhà nghỉ ngơi, không nói to, không trao đổi, mua bán.
Mặc dù một số nghi lễ còn tốn kém, nặng về hủ tục nhưng tín ngưỡng của dân tộc Dao Tiền nói chung mang những giá trị tích cực, đặc trưng và có nét văn hóa độc đáo. Để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, giá trị tín ngưỡng nói riêng của người Dao Tiền ở Cao Bằng, cần có sự nghiên cứu để bảo tồn và phát huy phù hợp với đời sống văn hóa mới.
Theo baocaobang.vn