Tiếng chuông gọi mùa Xuân

Tiếng chuông gọi mùa Xuân
Điệu múa chuông của đồng bào Dao ở Thanh Sơn.
Điệu múa chuông của đồng bào Dao ở Thanh Sơn. 

Trong căn nhà nhỏ ở khu Liên Thành, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), ông Triệu Tiến Phúc-người đã gắn bó với điệu múa này gần 50 năm nay say sưa giới thiệu với chúng tôi về điệu múa Chuông của dân tộc mình. Đây là một điệu múa khá đơn giản, nhiều người có thể tham gia, mỗi đợt múa hát thường có khoảng từ 8-10 người, vào ngày hội lên đến 20-40 người, càng đông càng vui. Bản đông thì tổ chức múa Chuông ở nhiều nhà.
 
Người Dao huyện Yên Lập biểu diễn múa Chuông trong ngày hội văn hóa các dân tộc.
Người Dao huyện Yên Lập biểu diễn múa Chuông trong ngày hội văn hóa các dân tộc.

Đạo cụ chính là chiếc chuông nhỏ bằng đồng kết hợp với trống con, đàn nhị, sáo… Người múa tay trái cầm một thanh nga (đẽo từ gỗ), tay phải cầm một chiếc chuông để đánh nhịp, đồng thời kết hợp các động tác nhún chân mềm mại. Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp điệu vui tai, những sợi tua mầu được tung lên, hạ xuống, lượn tròn nhịp nhàng, thật sinh động và đẹp mắt. Vừa múa, họ vừa hát, người hát thường là thầy cúng. Những bài hát cổ xưa mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Người xem bị cuốn hút vào những bước nhảy nhịp nhàng và thanh âm sinh động từ những chiếc chuông.

Ông Phúc cho biết thêm, đã là người dân tộc Dao thì phải biết múa Chuông vì đây là điệu múa gắn với các ngày lễ quan trọng như: Tết nhảy, Lễ lập tĩnh, Tết thanh minh, Tết 5/5, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy…Vì thế, người lớn thì lại truyền dạy cho con, cháu mình để cùng giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Theo baophutho.vn

Có thể bạn quan tâm