Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN
Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống của người Mông là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Theo đó, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình tri thức dân gian.

Hoa văn trên váy áo và các mặt hàng thổ cẩm của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được tạo ra bằng việc thêu, dệt, ghép vải, nhưng độc đáo nhất là nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một nghề thủ công truyền thống gắn bó bao đời với bà con người Mông ở vùng cao Yên Bái.

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông nơi đây mà khó ở đâu có được.

Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 2Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Theo quan niệm của người Mông, đã là con gái thì ai cũng phải biết trồng lanh, dệt vải, se lanh in sáp, rồi làm thổ cẩm. Bởi vậy, vẽ họa tiết lên vải lanh bằng sáp ong từ bao đời nay vẫn được phụ nữ Mông gìn giữ và phát huy. Một tấm vải lanh vẽ họa tiết sáp ong hoàn thiện cần trải qua 2 giai đoạn: vẽ họa tiết và nhuộm chàm. Công cụ gồm: chảo sắt nhỏ, bút vẽ, vải lanh, sáp ong, nước chàm.

Để có được những nét vẽ sáp ong đẹp, bên cạnh kỹ thuật của người vẽ, dụng cụ quan trọng phải có đó chính là bút vẽ. Những cây bút vẽ thiết kế chỉ bởi 2 lá đồng, một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, có một ô trống nhỏ ở giữa hai lá đồng để tạo thành nơi chứa sáp ong.

Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 3Kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác, được nẹp vào thanh tre. Khi vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong nóng đặt trên than hồng rồi từ sự sáng tạo của mỗi người mà trên vải hiện lên những hoa văn với các họa tiết phù hợp, thể hiện ước muốn ấm no, hạnh phúc…

Thêm một nghệ thuật của người Mông ở Yên Bái được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 4Hoa văn trên váy áo của người Mông được tạo ra bằng việc thêu, dệt, ghép vải, nhưng độc đáo nhất là nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, mà còn giúp các địa phương này có thêm động lực tạo ra các mặt hàng thổ cẩm đa dạng để quảng bá, giới thiệu với du khách, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm