Nghệ nhân Đặng Thị Thanh. Ảnh: daidoanket.vn |
Người Xa Phó hiện có khoảng 200 hộ, sống tập trung ở 3 thôn 5, 6, 7 xã Châu Quế Thượng. Hàng năm cứ vào khoảng đầu tháng 9 âm lịch, khi những bông lúa mới trên nương chín vàng óng ả, cũng là lúc đồng bào dân tộc Xá Phó ở xã Châu Quế Thượng tổ chức lễ mừng cơm mới (Khùi – xì – mờ) để cám ơn tổ tiên, cám ơn trời đất đã ban cho mưa thuận gió hoà, cho bà con người Xa Phó có một mùa màng bội thu. Người Xá Phó ở đây ăn mừng cơm mới trong 3 ngày: ngày thứ nhất là ngày chuẩn bị gạo mới, ngày thứ hai cúng tạ tổ tiên, trời đất và ngày thứ 3 tổng kết lễ mừng cơm mới. Đặc biệt, trong lễ cúng cơm mới ấy, tiếng sáo cúc kẹ sẽ được thổi lên, cùng với lời hát chúc cho vụ mùa mới trời cho nước xuống, cho lúa chắc hạt, cho chim chóc không phá hoại, để thóc về đầy nhà, cho bản mường no ấm…Đây là một nét văn hóa rất độc đáo. Nghệ nhân Đặng Thị Thanh cho biết, sáo cúc kẹ hay còn gọi là sáo mũi, một loại nhạc cụ độc đáo làm bằng cây nứa được truyền lại từ nhiều đời nay. Xưa cụ tổ làm ra cây sáo cúc kẹ, trong một lần vào rừng gặp một trận mưa lớn đã trú ở cạnh một khóm nứa. Khi gió rừng thốc mạnh, bất chợt cụ nghe thấy một âm thanh rất lạ phát ra từ lỗ thủng trên cây nứa. Thứ âm thanh đó nhẹ nhàng, trong veo, nghe rất êm tai. Và cây sáo cúc kẹ ra đời cũng từ phát hiện bất chợt đó. Để làm được cây sáo cúc kẹ này khá kỳ công, theo lời bà Thanh phải vào rừng tìm cây nứa kẹ có hoa, có mắt, chưa phân nhánh, ruột thẳng, vỏ mỏng, bên trong có nhiều màng trắng thì mới có thể làm ra cây sáo cúc kẹ phát ra âm thanh hay. Có khi đi cả chục buổi mới tìm được cây nứa ưng ý. Kẹ phải già, đanh, âm sắc của sáo mới chuẩn. Sáo cúc kẹ đặc biệt ở chỗ một đầu kín, một đầu thủng và hoàn toàn không có một lỗ chỉnh âm nào. Khi thổi đưa đầu sáo lên mũi, hơi mũi của người thổi sẽ tạo nên âm điệu của tiếng sáo. Cũng theo nghệ nhân Thanh, tiếng sáo cúc kẹ nghe hay nhất chính là những đêm trăng thanh. Trong sự tĩnh lặng, tiếng sáo cất lên trong veo như nước suối, mát lành, bay bổng như cơn gió đại ngàn, các cô gái, chàng trai cứ theo tiếng sáo mà tìm đến với nhau, rồi nên duyên vợ chồng. Cũng không biết đã bao mùa nương, bao đêm trăng sáng, tiếng sáo cúc kẹ vọng vào núi đồi, thấm đẫm tâm hồn người Xa Phó, như một món ăn tinh thần không thiếu. Và nghệ nhân Đặng Thị Thanh, người hơn 30 năm gắn bó với cây sáo cúc kẹ và giới thiệu nó tới khắp mọi miền đất nước với phần thưởng là những giải thưởng, bằng khen được treo trang trọng trên bức tường nhà. “Những giải thưởng đó với tôi vô cùng cao quý, nhưng quý hơn cả là việc giờ đây không chỉ có người Xa Phó biết tới tiếng sáo cúc kẹ mà người Kinh, Tày, Dao, Mông cũng biết đến... đó là một hạnh phúc không gì có thể sánh được” - bà Thanh cho biết. Sau rất nhiều nỗ lực khôi phục, gìn giữ tiếng sáo cúc kẹ, bà Thanh đã có tới 40 học trò. Bà bảo, nhìn lũ trẻ say mê những điệu nhạc, tuy âm điệu chưa thật hay, tiếng sáo chưa thật trong, cái tay cầm sáo vẫn còn ngượng, nhưng đó là tín hiệu mừng, chứng tỏ sáo cúc kẹ sẽ không bị thất truyền.
Theo daidoanket.vn