Nghề rèn của người Mông xã Tủa Sín Chải. |
Đến xã Tủa Sín Chải một ngày cuối năm, khi màn sương vẫn còn bao phủ, tiếng búa đe, mài dũa của người thợ rèn đã phá tan không gian tĩnh lặng nơi vùng cao khiến chúng tôi háo hức muốn tìm hiểu cách làm ra con dao, cái cuốc... của người Mông nơi đây. Nhà ông Giàng Phá Vừ là điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm. Ông Vừ năm nay hơn 60 tuổi và có đến hơn nửa số tuổi của ông gắn bó với sắt thép và lò nung. Vừa quại từng nhát búa chan chát vào một thanh sắt rộng bản được nung đỏ rực trên lò than, ông Vừ kể: Không biết nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết khi ông nội tôi sinh ra đã có nghề này và truyền lại cho bố, giờ là đến tôi và các con tôi. Đời này sang đời khác, người Mông cần con dao đi rừng, cái cuốc làm nương nên từ lúc 13 - 14 tuổi, các cháu trai đã được học nghề rèn nhằm phục vụ nhu cầu gia đình. Để làm ra được con dao, cái cuốc phải mất rất nhiều công, không giống dao bán ở chợ. Chiếc dao do người Mông rèn ra phải chắc, bền nên từ khâu cắt sắt đến khi hoàn thành sản phẩm chỉ có nung đỏ và đập búa làm lưỡi dao, đập búa để uốn cong mũi dao quắm - đó là bí quyết khiến cho những chiếc dao của người Mông ở Tủa Sín Chải sắc bén.
Còn với ông Mùa Chờ Sung thì lò rèn của ông chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và một bộ phận bà con trong bản. Cứ đầu mùa làm nương là lò rèn của gia đình ông Sung đỏ lửa cả ngày. Nhìn mồ hôi chảy từng dòng trên người thợ rèn Chờ Sung trong cái lạnh của mùa đông, chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả nhưng cũng đầy tự hào khi ông hoàn thành thêm một sản phẩm ưng ý. Ông Sung cho rằng: Nhìn những nông cụ rất đơn giản nhưng để làm được nghề thành thục, đòi hỏi người thợ rèn phải kiên trì, bởi mỗi thứ có một hình dạng khác nhau. Muốn có một sản phẩm tốt, người thợ rèn phải chuẩn bị thật kỹ mọi công đoạn. Lò rèn được đắp bằng đất, mặt lò phải hơi võng xuống để có thể cho than vào. Sắt được cho vào lò nung đỏ rồi đưa lên đe dùng búa đập, sau đó để nguội, lại tiếp tục cho vào nung và phải biết nhìn vào độ nóng của sắt để nung. Nếu nung non lửa dao hay quằn nhưng nung già quá lại dễ bị mẻ. Nghề nào cũng đòi hỏi bí quyết và kinh nghiệm. Mỗi lò rèn đều có bí kíp gia truyền riêng, ví dụ như dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt…
Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nhưng đối với ông Sung lại giản đơn như việc ăn cơm, uống nước hàng ngày bởi tình yêu đối với nghề đã “thấm vào máu”. Theo lời ông Sung, ông duy trì lò rèn cốt để giữ lấy nghề truyền thống của cha ông để lưu truyền cho con cháu sau này. Vì theo tục người Mông, đi lên nương hay vào rừng đều phải mang theo con dao bên mình.
Tuy nhiên, hiện nay ở Tủa Sín Chải chỉ còn khoảng 15 hộ gia đình lưu giữ nghề rèn truyền thống. Đa số bà con chỉ rèn dao, cuốc... phục vụ nhu cầu gia đình là chủ yếu, ít bán ra bên ngoài. Do vậy, tỉnh, huyện cần có chính sách bảo tồn, khôi phục nghề rèn ở Tủa Sín Chải và đó cũng là cách để giữ gìn nét văn hóa của người Mông nơi đây.
Theo baolaichau.vn