Người Ê-đê cuối cùng dệt chiếu ở Buôn Trấp

Người Ê-đê cuối cùng dệt chiếu ở Buôn Trấp
Đó là gia đình bà H’Be Bkông (63 tuổi, tên thường gọi là Amí Mai). Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm cuối buôn, Amí Mai tỉ mẩn chẻ nhỏ từng cọng cói để dệt. Amí Mai cho hay, 10 tuổi đã biết mùi chiếu cói rồi phụ việc phơi - chẻ - nhổ - dệt cói... Trước đây, cứ sau Tết Nguyên đán, Amí Mai lại theo bố mẹ gùi gạo, muối, thức ăn, nồi niêu… chèo thuyền ra sông Krông Ana (Đắk Lắk), Krông Nô (Đắk Nông) lấy cói. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần. Ban ngày, mọi người đạp thuyền ra sông, chọn chỗ cói vừa vừa (không quá non, không quá già) để nhổ. Đến tối lại cho thuyền vào bờ nghỉ ngơi, nấu ăn để sáng mai tiếp tục hành trình. Cứ thế, khi thuyền đầy cói mới trở về nhà chẻ, phơi khô. Đủ nguyên liệu, gia đình Amí Mai lại miệt mài bên khung dệt thâu đêm.
 
Cói dệt chiếu lấy ở sông Krông Na, Krông Nô.
Cói dệt chiếu lấy ở sông Krông Na, Krông Nô.

Ngày trước, cả buôn Trấp đều làm nghề dệt chiếu. Cứ một chiếc chiếu đổi được 2 thùng gạo to. Ưu điểm chiếu của người Ê-đê là trơn, không nhuộm màu, không in hoa, có màu xanh nhạt tự nhiên, dày chắc, mùa đông nằm rất ấm, còn mùa hè êm mát nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, theo sự phát triển của thị trường, nhiều loại chiếu bằng nhựa, tre, trúc... ra đời đã thay thế vị trí độc tôn của chiếu buôn Trấp. Đang thời hưng thịnh, nghề dệt chiếu Ê-đê Bih bị thất thế rơi vào khó khăn khiến người dân “quay lưng” với nghề. Amí Mai cho biết: Một ngày 3 thợ (cùng dệt 1 khung) được 3 - 4 chiếc chiếu, bán giá từ 100 - 120 nghìn đồng/chiếc, tính ra mỗi thợ được hơn 100 nghìn đồng/ngày, chưa tính công chuẩn bị nguyên liệu. Nghề dệt chiếu vốn đã khó nhọc, thu nhập thấp nên chẳng còn ai mặn mà. Ngày trước, Amí Mai coi công việc dệt chiếu là nghề chính, còn giờ chỉ là nghề phụ. Khi nào hết việc đồng áng, nương rẫy Amí  Mai mới ngồi dệt.

Trưởng buôn Trấp Y Chơn cho biết, trong các nhóm Ê-đê gồm Ê-đê Kpă, Ê-đê Adham, Ê-đê Mdhur… chỉ có Ê-đê Bih cư trú dọc sông Krông Ana và sông Krông Nô là biết nghề dệt chiếu. Bởi xưa kia, vùng đất này đa phần là bãi sình, đầm lầy nên mới có tên gọi là buôn Trấp (theo tiếng Ê-đê, Trấp nghĩa là sình lầy). Trong đầm, ngoài cỏ dại, lau sậy còn mọc nhiều cây cói có đặc tính dai dẻo, bền chắc, được người dân tận dụng để đan lát vật dụng sinh hoạt nên nghề dệt chiếu ra đời từ đó. Từng nổi tiếng gần xa với nghề dệt chiếu nhưng nay cả buôn Trấp chỉ duy nhất gia đình Amí Mai giữ nghề. Tuổi cao, Amí Mai không biết giữ nghề được bao lâu. Amí Mai đã dạy nghề dệt cho các con nhưng chỉ có mỗi cô con gái H’Bhuynh là chịu dệt. Chị H’Bhuynh tâm sự, nhìn mẹ cặm cụi bên khung dệt, chị cảm nhận được tình yêu nghề trong bà. Dù nghề dệt chiếu không còn hưng thịnh như trước nhưng chị vẫn sẽ theo nghề. Bởi nghề dệt không đơn thuần để mưu sinh mà còn là niềm tự hào của người Ê-đê Bih.

Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm