Cây nêu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Cơ Tu, là nơi buộc trâu hiến tế mỗi khi tổ chức các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng…
Cây nêu, cột lễ của đồng bào Cơ Tu được trang trí cầu kỳ từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong làng. Ảnh: Hoàng Hải |
Cây nêu thường được trang trí khá cầu kỳ gồm nhiều chi tiết, hoa văn với 4 màu chủ đạo là: đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện nét văn hóa truyền thống và yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu. Đồng bào Cơ Tu theo tín ngưỡng đa thần với các vị thần Yang đất, Yang Trời…và theo quan niệm của đồng bào, làm việc gì cũng phải xin phép Yang, nghi thức dựng cây nêu cũng vậy.
Cây nêu, cột lễ của đồng bào Cơ Tu được trang trí với các màu chủ đạo đen, đỏ, trắng, vàng thể hiện yếu tố tâm linh của đồng bào. Ảnh: Hoàng Hải |
Cây nêu thường được dựng phía trước nhà Gươl ngay trung tâm của Làng. Đối với đồng bào Cơ Tu, cây nêu, cột lễ được xem như “lễ đài” chính của lễ hội, là nơi diễn ra các hoạt động trong lễ hội như đâm trâu, nhảy múa, khấn thần.
Dân làng mang lễ vật để cúng tại nhà Gươl. Ảnh: Hoàng Hải |
Cây nêu, cột lễ cột đâm trâu của đồng bào Cơ Tu là những cây tre và cây thân gỗ được gia công trang trí, đặt tại nơi hành lễ, trước sân nhà làng. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, cây nêu, cột lễ còn có tác dụng như một điểm đánh dấu vị trí trọng tâm cho những người tham gia lễ hội.
Thầy cúng làm lễ ở nhà Gươl. Ảnh: Hoàng Hải |
Cây nêu là một thành tố có quan hệ mật thiết với cây cột lễ nhưng lại hoàn toàn tách rời với cây cột lễ. Trong khi cây cột lễ được chôn chính giữa sân nhà Gươl thì cây nêu (thường là 2 cây tre) được chôn ở vòng ngoài, câu ngọn vào phía trong tạo thành hình cung gãy ngay trên đỉnh của cột lễ.
Sau khi được sự chấp nhận của Yang, thần linh, ông bà tổ tiên, mọi người cùng múa điệu "Tung tung da dá" một lượt quanh cây cột trụ của nhà Gươl để cảm tạ. Ảnh: Hoàng Hải |
Cột lễ là cột “thiêng” vì đây là nơi thần linh hội tụ về dự lễ; bàn thờ cúng dâng lễ vật hiến sinh cho thần linh; nơi trình diễn điệu múa “Tung tung dá dá”; không gian thiêng kết nối, thông quan giữa thần linh với con người. Với ý nghĩa như vậy, cột tế thường được làm cao hơn, trang trí cầu kỳ hơn những vật trang trí khác. Đây là công trình sáng tạo mỹ thuật của tập thể nghệ nhân khéo tay nhất trong làng. Một cây cột lễ được chia làm 3 phần, gồm gốc, thân và đỉnh cột. Theo quan niệm của đồng bào, các phần đó thể hiện sự phân tầng thành 3 không gian tương ứng với 3 thế giới của thần linh, người và ma quỷ. Giương là bộ phận quan trọng nhất, là hai tấm gỗ dẹt, được gắn đối xứng qua phần giữa thân cột lễ, trên đó tập trung nhiều hoa văn, tô màu sặc sỡ…
Bà con mang lễ vật để làm lễ cúng ngoài trời. Ảnh: Hoàng Hải |
Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần Lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa Tung tung da dá và Giương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh. Ngay giữa thân cột, đồng bào thường khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành cái phễu ngửa lên trời, nơi chứa cái đuôi trâu hay con gà sống mà già làng ném lên trên sau khi kết thúc nghi thức hiến sinh (đâm trâu). Đồng bào xem đây như là một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh.
Thầy cúng làm lễ cúng ngoài trời với các con vật hiến sinh. Ảnh: Hoàng Hải |
Phần phía dưới là cây cột to được gia cố những cây cột phụ làm cho toàn bộ thân cột thêm chắc chắn, để buộc trâu cho lễ hiến sinh, phía trên là phần dành cho cây nêu, nơi tập trung nhiều chi tiết trang trí.
Mọi người cùng chung tay dựng cột lễ. Ảnh: Hoàng Hải |
Cây nêu thường bố trí ở sân nhà Gươl, cao vút lên trời xanh, trông thật uy nghi. Đây là công trình sáng tạo tập thể nghệ nhân, rất kỳ công, mang vẻ đẹp hoàn hảo, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa điêu khắc và trang trí hoa văn.
Cây nêu và cột lễ đã được bà con Cơ Tu dựng nên trước sân nhà Gươl. Ảnh: Hoàng Hải |
Ngoài ý nghĩa tâm linh, cây nêu còn có vai trò là trung tâm của các lễ hội. Khi kết thúc lễ hội, đồng bào Cơ Tu tập trung quanh cây nêu, cùng uống rượu cần, thưởng thức món ăn truyền thống và tham gia điệu nhảy Tung tung da dá trong tiếng cồng chiêng rộn ràng của các nghệ nhân.
Thầy cúng báo cáo Yang về việc dựng cây nêu đã xong và tốt đẹp. Ảnh: Hoàng Hải |
Lễ cúng trong nghi thức dựng cây nêu của đồng bào dân tộc Cơ Tu thường diễn ra trong 2 bước: cúng tại nhà Gươl và cúng tại vị trí dựng cây nêu với các lễ vật như: lợn, gà, xôi, rượu …
Bà con dân làng và mọi người tham gia dự lễ cùng múa hát xung quanh cây nêu vừa được dựng của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Hoàng Hải |
Thầy cúng làm lễ cúng tại nhà Gươl, sau đó cùng bà con làm lễ tại vị trí cây nêu và cột lễ. Sau khi hoàn thành phần lễ (kết thúc lời cúng khấn báo cáo Yang việc dựng cây nêu đã xong) bà con dân làng và mọi người tham dự lễ cùng múa hát xung quanh cây nêu mới vừa được dựng.
Hoàng Tâm