Nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao Tiền

Nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao Tiền
Phụ nữ Dao Tiền xóm Bản Chang, xã Thành Công (Nguyên Bình) thêu, in hoa văn trên vải để may trang phục truyền thống.
Phụ nữ Dao Tiền xóm Bản Chang, xã Thành Công (Nguyên Bình)  thêu, in hoa văn trên vải để may trang phục truyền thống.

Chị Lý Thị Hương, dân tộc Dao Tiền, 45 tuổi, xóm Khuổi Hoa, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho biết: Để có sáp ong tốt phải lấy sáp từ những tổ mật ong rừng quý hiếm. Những tổ ong mang về sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Sau đó tiếp tục đun phần nước trong cho đến khi nước cô đặc lại thì đổ ra để nguội khoảng 2 - 3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Sáp ong khi đun nóng để in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt.

Sau khi có sáp ong tốt, phải chuẩn bị dụng cụ để in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác từ 5 - 10 chiếc đủ loại từ 1 -  5 cm để tạo nên các hoa văn với nhiều kích thước khác nhau. Đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn... rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn. Lấy một phần sáp ong trong khối sáp được đun đông từ trước đem đun nóng hoặc nước sôi để rã đông, trước khi tiến hành in phải lọc lại sáp ong cho thật sạch không bị lẫn tạp chất, đặt sáp ong lên than hoa, giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn. Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong vẽ hoa văn theo chủ định lên vải. Việc in ấn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới thôi. Để có được những tấm vải in sáp ong đẹp, sau khi in sáp ong lên vải chờ sáp ong khô thì phải đem nhuộm chàm rồi phơi. Tiếp đến nhúng tấm vải chàm vào nước sôi để sáp ong tan ra thì các hoa văn đã in mới hiện ra rõ nét trên nền chàm. Nhiều công đoạn như vậy, nên để làm được một bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền rất công phu.

Bà Bàn Thị Nén, 58 tuổi, dân tộc Dao, xóm Bản Chang, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) chia sẻ: Với dân tộc chúng tôi, những hoa văn in trên vải trang phục chính là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng của mỗi người phụ nữ. Vì thế, khi người con gái Dao Tiền về nhà chồng, gia đình chồng và họ hàng chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, cần cù, chu đáo thu vén gia đình hay không. Ngay từ nhỏ, các bà, các mẹ đã truyền dạy cho con, cháu mình cách dệt vải, in hoa văn trên trang phục truyền thống rất tỉ mỉ. Cứ như vậy, các sản phẩm in hoa văn trên vải bằng sáp ong mang đậm nét đặc trưng của người Dao Tiền được lưu truyền cho các thế hệ kế tiếp.
 
In hoa văn bằng sáp ong trên vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của phụ nữ.
In hoa văn bằng sáp ong trên vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của phụ nữ.

Tuy cùng là một kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong nhưng do làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi tấm vải do mỗi người làm ra sẽ có phong cách riêng như một nghệ sỹ tạo dấu ấn riêng trên tác phẩm của mình. Những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao tiền thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với nhiều hoa văn đẹp mắt, như: họa tiết hình học, cỏ, cây, hoa, lá, muông thú..., mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Dao Tiền. 

Kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong người Dao Tiền ở Cao Bằng hiện vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Chính những trang phục truyền thống với các hoa văn in bằng sáp ong đã góp phần tôn vinh giá trị và tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.  
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm