Múa rùa. Ảnh: Baophutho.vn |
Mặc dù trải qua nhiều biến cố thiên di và cuộc sống du canh du cư, nhưng người Dao ở Phú Thọ cũng như người Dao ở xã Cự Thắng- huyện Thanh Sơn vẫn duy trì những nét văn hóa truyền thống phong phú, mang sắc thái rất riêng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một trong những nét văn hóa độc đáo được xem là bản sắc rất riêng của người Dao nơi đây là điệu múa rùa. Đây là những di sản văn hoá phi vật thể rất đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Dao đã tụ cư và sinh sống hàng ngàn đời nay trên quê hương đất Tổ. Là hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu nhất trong các diễn xướng dân gian được trình diễn trong dịp tổ chức Lễ tết nhảy và Lễ lập tĩnh ở các bản của người Dao.
Điệu múa Rùa là một trong những nghi lễ đội ơn thần linh, trời, đất đã cứu giúp người Dao thoát chết và có cơ hội được mưu sinh, lạc nghiệp trên mảnh đất mới. Trước khi múa, người Dao phải chuẩn bị rất kỹ các dụng cụ như: dao, kiếm, chuông, khèn, sập xèng và trống. Trong đó kiếm được coi là thứ vũ khí, khí tài để bảo vệ bản làng, dân tộc, chuông đúc bằng đồng và được dùng trong các lễ, tết của người Dao, khi thả tranh treo thì phải có tiếng chuông, sập xèng là dụng cụ được làm bằng chất liệu đồng hoặc nhôm, sập xèng là dụng cụ bắt buộc phải có trong điệu múa Rùa, khèn cũng là dụng cụ của dân tộc được làm bằng gỗ, tất cả các loại nhạc cụ sẽ tạo nên một bản âm hưởng vang dội.
Trong khi múa Rùa các dụng cụ dao, kiếm sẽ được cắm xuống nền nhà. Người múa tay cầm chuông, lúc đi, lúc chạy lom khom theo hình lượm vòng tròn tròn quanh đàn cúng, lúc đi ngược, lúc chạy xuôi, múa theo sự chỉ huy của ông thầy cúng, diễn tả các động tác vây tìm, bắt rùa đem về mổ, băm, xào, nấu dâng lên Bàn vương, thần thánh và tổ tiên, theo nhịp trống, khèn và tiếng hát. Thường thì, trong mỗi đám Tết nhảy, điệu múa Rùa được múa lặp đi, lặp lại từ 12- 15 lượt.
Trong điệu múa rùa cũng có quy định riêng: khi múa, không ai được đi sai theo lối ông thầy đã đi, nếu có lỡ đánh đổ kiếm hoặc đao, hoặc đi sai thì ông thầy sẽ bắt đi lại…Người Dao quan niệm: Nếu người nào đi mà không đi lại thì về nhà sẽ bị ốm, nên ông thầy luôn luôn có trách nhiệm để mắt đến theo dõi mọi người đi sau, bao giờ hết mọi người đi hết lượt mới chạy vòng khác. Do vậy, ông thầy yêu cầu mọi người phải đi đúng như ông thầy đã đi. Người múa vừa đi, vừa chạy nhanh dần, chậm dần, tay vừa lắc chuông xen lẫn tiếng bước chân của người nhảy múa chạy rầm rập, tiếng cười nói rôm rả của người xem, tiếng trống, tiếng chiêng với tiết tấu dồn dập cùng với tiếng hú của đàn ông làm cho nhà đám vui nhộn hẳn lên. Việc chạy nhanh - chậm, ngược - xuôi đều do ông thầy tự quy định và chỉ huy trong quá trình múa.
Và đặc biệt, trong điệu múa rùa không thể thiếu những lời hát do chính ông thầy cúng- người chỉ huy trưởng thể hiện với ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh, em họ, hàng, bà con, dân bản, cầu mong mùa màng bội thu, đời sống đủ đầy, no ấm, con cháu thảo hiền, để cho con cháu biết về nguồn gốc của mình, qua đó phát huy sức mạnh đoàn kết để làm ăn phát triển kinh tế “ Mời thần linh, trời đất, tổ tiên chứng giám cho lễ tạ ơn của dồng bào Dân tộc Dao, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, thóc lúa đầy bồ, dân làng, mọi nhà may mắn, bình yên”.
Múa Rùa của người Dao không chỉ đơn thuần mang yếu tố nghệ thuật, tâm linh mà còn mang tính giáo dục, sự kế thừa văn hóa truyền thống, là sự tái diễn lại hoạt động trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường. Đây sẽ là những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của người Dao, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa các dân tộc Việt cần được bảo tồn và gìn giữ.
Theo cinet.vn