Người Jrai trong một lễ hội. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
1. KSOR: Người Jrai thường làm rẫy trên một vùng đất cao. Sau khi đất đã bạc màu, người ta bỏ đi. Cây cối mọc trở lại thành rừng, gọi là Ksor.
2. NAY (nguồn gốc là MƠ NAI): Là vùng đất thấp, hàng năm được nước lũ sông bồi đắp phù sa. Người Jrai thường dùng đất này để trồng bắp, dưa, đậu, bầu, bí... Do ảnh hưởng cách viết của tiếng Việt nên “Mơ nai” được viết thành “Nay”.
3. KPĂ (nguồn gốc là KƠBLA): Là một loại cây trong rừng, lá nhám, trái bằng hạt bắp, khi chín màu đen, có vị ngọt, ăn được. Một số người thường viết nhầm “Kpă” thành “Kpã”.
4. RƠ CHOM: Là một loại cây lá bóng, thân có gai. Do chưa có sự thống nhất về chính tả nên mỗi vùng có những cách viết khác nhau: Rơ chom, Rchom, Rcom, Rơ châm, Rchâm, Rơ chăm, Rchăm...
5. RƠ Ô (nguồn gốc là Pơ ô): Là một cây họ tre, thân rỗng, đốt dài, dùng để đan gùi, rổ, thúng... Một số cách viết khác: R ô, Rô
6. ALÊ (nguồn gốc là ALE): Cũng là một loại cây họ tre nhưng thân đặc hơn. Cây này người ta thường lấy măng để ăn, lấy thân rào giậu, làm giàn bầu, bí, mướp...
7. RƠMAH: Là cây na. Tiếng miền Nam gọi là mãng cầu ta (để phân biệt với mãng cầu Xiêm).
8. SIU (nguồn gốc là Rơ siu): Là cây lá nhỏ, gỗ màu sẫm, rất cứng. Người ta thường lấy gỗ nó làm nhà.
9. RAHLAN (nguồn gốc là Rôk lan), nghĩa là “dọc đường”. Các cách viết khác: Ra Lan, Rơ Lan, Rlan.
10. PUIH: Mùa đông
11. RƠ MÔ: Xưa kia có một người phụ nữ họ Rơ chom sinh con. Người phụ nữ này giặt và phơi váy của mình lên bờ giậu. Một con bò đi qua và đã nhai chiếc váy này.Vì vậy người mẹ đã đặt họ cho con là “Rơ mô”(nghĩa là con bò).
Theo baogialai.com.vn