Nhịp điệu cồng chiêng. |
Hôn nhân và gia đình
Trong ba dân tộc bản địa ở Lâm Ðồng, người K’Ho và người Churu theo chế độ mẫu hệ, người Mạ theo chế độ phụ hệ. Dù theo mẫu hệ hay phụ hệ thì hai nguyên tắc hôn nhân truyền thống cơ bản đó là nội hôn tộc người và ngoại hôn dòng họ - đây là hai nguyên tắc hôn nhân phổ biến trong phong tục hôn nhân của các dân tộc thiểu số.
Nguyên tắc nội hôn tộc người, luật tục chỉ cho phép nam nữ kết hôn với những người trong cùng dân tộc. Những trường hợp hôn nhân ngoại tộc không được khuyến khích, thậm chí bị cấm đoán. Tuy nhiên, trải qua quá trình sống cộng cư, xen cư lâu dài, các mối quan hệ kinh tế, văn hóa ngày càng sâu rộng với các tộc người lân cận nên hôn nhân hỗn hợp giữa các cư dân bản địa với nhau, giữa người bản địa với các dân tộc khác không còn là hiện tượng hiếm gặp. Cho đến nay, việc kết hôn với người ngoại tộc đã được đa số thành viên trong cộng đồng chấp nhận. Ðây là một sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, giúp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
Nguyên tắc ngoại hôn dòng họ, cũng là một nguyên tắc cơ bản trong phong tục hôn nhân của dân tộc K’Ho. Theo đó, những người trong cùng một dòng họ (đối với người Churu và người K’Ho được tính theo dòng mẹ, người Mạ tính theo dòng cha) dù xa đến mấy đời cũng không được phép có quan hệ hôn nhân với nhau. Nếu vi phạm điều này sẽ bị coi là loạn luân và bị luật tục xử rất nặng. Những quy định này cho đến nay hầu như vẫn được tuân thủ chặt chẽ.
Trước đây, hình thức hôn nhân anh em chồng và hôn nhân chị em vợ diễn ra phổ biến trong truyền thống hôn nhân của người K’Ho. Theo đó, nếu người chồng chết thì người vợ góa được phép cưới người em trai chồng chưa có vợ, nếu người vợ chết thì người chồng có thể cưới người em gái vợ chưa có chồng. Bên cạnh đó, do theo chế độ mẫu hệ, nên việc kết hôn giữa con cô và con cậu được xem là loại hình hôn nhân ưu tiên để duy trì và bảo vệ tài sản trong gia đình, dòng họ. Ngày nay, các hình thức hôn nhân này vẫn còn tồn tại nhưng rất hiếm khi xảy ra. Giới trẻ ngày nay cho rằng, đây là hình thức hôn nhân lạc hậu nên họ không ủng hộ, thậm chí phản đối kịch liệt. Ðây là sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, phù hợp với đời sống, xã hội hiện đại, phù hợp với quy định trong Ðiều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 của nước ta, cấm kết hôn giữa những người có họ từ ba đời.
Chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của dân tộc K’Ho ở Lâm Ðồng đã được xác lập vững chắc. Hiện tượng đa phu, đa thê rất hiếm gặp và thường không chính thức. Luật tục đề cao sự chung thủy vợ chồng, những trường hợp ngoại tình, gian dâm bị cộng đồng lên án và xử lý nặng nề.
Ngoại tình bị phạt vạ 14 con trâu
Trong luật tục của người K’Ho, hành vi ngoại tình là hành vi cực kỳ nghiêm trọng và tối kỵ nhất, những người nào phạm vào điều này sẽ bị cộng đồng trừng phạt nặng nề bằng những vật phẩm phạt vạ thích đáng. Người K’Ho xưa và cả ngày nay xem ngoại tình là tội “tày đình”.
Khi bắt quả tang người vợ hoặc chồng “vụng trộm” với người tình, một cuộc họp khẩn cấp của hai bên gia đình nội ngoại sẽ được triệu tập để xử lý kẻ “chán cơm thèm phở”.
Người ngoại tình bị bắt quả tang phải lo nộp vạ cho người bị phản bội một khoản rất lớn có khi lên đến 14 con trâu (tùy vào sự thỏa thuận nhưng không dưới 12 con trâu). Ngoài việc bồi thường danh dự cho vợ hoặc chồng của người kia, còn phải bồi thường cho chính vợ hoặc chồng mình vì những đêm đi ngủ với người khác ở bên ngoài.
Nắm gạo xử ly hôn
Theo tập tục truyền thống của người K’Ho, khi vợ chồng không muốn sống với nhau nữa thì cho phép ly dị nếu một trong hai người ngoại tình hay vi phạm phong tục gây ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Tuy nhiên, tình trạng ly dị ở người K’Ho rất ít khi xảy ra bởi sự ràng buộc rất chặt chẽ của tập tục từ khi nam nữ thành vợ, thành chồng.
Khi có dấu hiệu rạn nứt tình cảm vợ chồng vì những lý do khác nhau, hai bên gia đình, dòng họ sẽ tìm cách khuyên ngăn, hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ tổ chức một buổi họp, ngoài các thành viên chủ chốt của hai bên nội ngoại còn có sự tham gia của già làng.
Thủ tục ly dị của người K’Ho được tiến hành như sau: Người ta lấy một bát gạo đưa cho hai người, hai người lần lượt lấy vài hạt bỏ vào một cái bát khác, coi như là đồ vứt đi và từ đây họ chính thức không còn là vợ chồng. Cũng có nơi vợ chồng mỗi người cầm một nắm gạo trong tay và cùng thả đều vào bát, nếu bên nào thả vào trước (lý do quá nôn nóng) thì sẽ phải đền của cho bên kia. Nếu cả hai bên cùng thả vào bát thì coi như đồng ý ly dị (thuận tình ly hôn). Từ đó hai người sẽ không được phép sống chung với nhau nữa.
Khi đã ly hôn, gia đình nhà trai buộc phải trả lại số lễ vật mà trước đó đã thách cưới nhà gái (trị giá đồ vật có thể được tính giảm đi theo số năm người chồng ở bên nhà vợ). Hoặc nếu người vợ chết mà người chồng đi lấy người vợ khác thì cũng phải hoàn trả lại số lễ vật mà nhà gái đã đưa cho nhà trai trong lễ ăn hỏi.
Trường hợp người chồng hoặc người vợ chết, bên nhà vợ hoặc chồng không có người em để thực hiện tục “nối dây” hoặc không đồng ý lấy nhau thì được phép có vợ hoặc chồng khác sau khi mãn hạn tang. Trường hợp này, không phải hoàn trả lại của hồi môn, nhưng không được mang theo con và phải tổ chức lễ cưới.
Tóm lại, luật tục ra đời trong một xã hội chưa phát triển, có những điểm ngày nay không còn phù hợp, nhưng một số những quy định về môi trường sống, về vấn đề sở hữu, về hôn nhân và gia đình,… khi đi sâu vào nghiên cứu vẫn nhận ra giá trị ràng buộc, bảo đảm sự bền vững của một gia đình, của cả cộng đồng mà không phải hương ước của vùng nào cũng có.
Theo baolamdong.vn