Lô Lô Chải - thôn cổ tích nơi địa đầu Tổ quốc

Lô Lô Chải - thôn cổ tích nơi địa đầu Tổ quốc

Nằm dưới chân núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1 km, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là nơi sinh sống của 104 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô. Trải qua năm tháng, Lô Lô Chải vẫn lưu giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Lô Lô, từ những ngôi nhà trình tường đến các lễ hội truyền thống, các lời ca, điệu múa dân gian…

Lô Lô Chải - thôn cổ tích nơi địa đầu Tổ quốc ảnh 1Những ngôi nhà trình tường tại thôn Lô Lô Chải là một trong những điểm nổi bật thu hút du khách tới trải nghiệm. Ảnh: Nam Thái

Ông Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết, thôn hiện có 30 hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay. Những hộ không có điều kiện làm dịch vụ lưu trú thì đồng bào nuôi lợn, gà, trồng rau cung cấp cho những hộ làm dịch vụ lưu trú. Đồng bào trong thôn nếu phải trùng tu, xây dựng lại nhà cửa đều thống nhất làm theo nếp cũ, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, vừa tạo cảnh quan thống nhất để thu hút khách tham quan.

Lô Lô Chải - thôn cổ tích nơi địa đầu Tổ quốc ảnh 2Những người phụ nữ Lô Lô Đen ở thôn Lô Lô Chải truyền dạy nghề thêu trang phục truyền thống cho lớp trẻ. Ảnh: Nam Thái
Lô Lô Chải - thôn cổ tích nơi địa đầu Tổ quốc ảnh 3Ông Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải say mê với việc gìn giữ nhạc cụ truyền thống để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ảnh: Nam Thái

Đến thôn Lô Lô Chải hôm nay, du khách mê mẩn với những hàng rào đá được xếp đặt cẩn thận, những ngôi nhà trình tường mái phủ kín rêu phong… Đặc biệt, vào mùa xuân, Lô Lô Chải trở lên đẹp lạ thường, cảnh quan như một thôn cổ tích với hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc.

Nam Thái

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)
Dân tộc Lô Lô Dân tộc Lô Lô

Tên tự gọi: Lô Lô.

Tên gọi khác: Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Qua La, Ô Man, Lu Lộc Màn.

Nhóm địa phương: Lô Lô hoa và Lô Lô đen.

Dân số: 4.541 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Họ là cư dân có mặt rất sớm ở vùng cực bắc của Hà Giang.

Hoạt động sản xuất: Người Lô Lô chủ yếu làm ruộng nước và nương định canh với các cây trồng chính như lúa nếp, lúa tẻ và ngô. Chăn nuôi gia đình tương đối phát triển và là một nguồn lợi đáng kể.

Ăn: Người Lô Lô chủ yếu ăn ngô bằng cách xay thành bột đồ chín. Bữa ăn phải có canh. Họ thường dùng bát và thìa bằng gỗ.

Mặc: Phụ nữ có nhóm mặc áo cổ tròn, xẻ ngực, có nhóm mặc áo cổ vuông chui đầu, quần chân què, có nơi bên ngoài còn quấn xà cạp. Trang trí trên y phục bằng hoa văn chắp ghép những mảng vải màu to. Họ có sử dụng hoa văn in bằng sáp ong.

Lò Thị Vân (dân tộc Lô Lô, Mèo Vạc, Hà Giang).jpg
Lò Thị Vân (dân tộc Lô Lô, Mèo Vạc, Hà Giang)

: Tuỳ từng nơi họ sống trong ba loại nhà: nhà trệt, nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa đất ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).

Phương tiện vận chuyển: Người Lô Lô quen dùng gùi đan bằng mây, giang, có hai quai để chuyên chở; địu trẻ em trên lưng khi đi xa hoặc lúc làm việc.

Quan hệ xã hội: Người Lô Lô sống tập trung trong các bản tương đối ổn định. Tính cộng đồng tộc người thể hiện rõ nét.

Có hơn 30 dòng họ khác nhau. Mỗi dòng họ thường quần tụ trong phạm vi một làng bản, thờ cúng chung một ông tổ và có một khu nghĩa địa riêng nằm trong nghĩa địa chung của công xã. Người Lô Lô thích các quan hệ hôn nhân nội tộc người và thực hiện nguyên tắc ngoại hôn giữa các dòng họ.

Cưới xin: Phong tục cưới xin của người Lô Lô mang nặng tính gả bán với việc thách cưới cao (bạc trắng, rượu, thịt...). Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên chồng. Con trai cô có thể lấy con gái cậu song không được ngược lại.

Sinh đẻ: Phụ nữ khi mang thai phải kiêng kỵ nhiều trong chế độ ăn uống và sản xuất. Sản phụ đẻ ở nhà với sự giúp đỡ của bà mụ trong bản. Sau 12 ngày làm lễ đặt tên cho con và có thể đổi tên nếu đứa trẻ hay khóc hoặc chậm lớn.

Ma chay: Tang ma có nhiều lễ thức độc đáo như hoá trang, nhảy múa, đánh lộn... Dấu vết của tục săn đầu còn thể hiện khá rõ ở hiện tượng một người luôn đeo chiếc túi vải có đựng khúc gỗ hay quả bầu có vẽ mặt người trong tang lễ.

Thờ cúng: Người Lô Lô thờ cúng tổ tiên, bố mẹ và những người thân đã mất. Trên bàn thờ có những bài vị hình nhân bằng gỗ, vẽ mặt bằng than đen. Linh hồn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh.

Lễ tết: Tết Nguyên đán như người Hán và người Việt. Ngoài ra còn có tục ăn Cơm mới, tết Ðoan ngọ, Rằm tháng Bảy...

Lịch: Họ sử dụng lịch truyền miệng chia năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với một con vật.

Học: Khoảng thế kỷ thứ 14 người Lô Lô đã có chữ tượng hình với 140 bộ thủ. Người ta dùng phương pháp ghép bộ thủ để diễn đạt nghĩa. Chữ được ghi trên các tấm gỗ mỏng, trên da thú hoặc loại giấy dày, thô. Tới nay chỉ có một số gia đình còn giữ lại được một vài mảnh có ghi lại loại chữ đó mà ít ai đọc được.

Văn nghệ: Là một trong số ít các dân tộc ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Truyện kể rằng: xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh.

Trống đồng với tư cách là nhạc khí chỉ được dùng trong đám tang, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian của cộng đồng. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống.

Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên. Chỉ có trong đám ma mới đánh trống đồng. Ngày thường, người ra chôn trống dưới đất ở nơi sạch sẽ, kín đáo.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm