Lồ Lài Sửu - Người con tiêu biểu của dân tộc Bố Y

Lồ Lài Sửu - Người con tiêu biểu của dân tộc Bố Y
Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu là người không chỉ nắm giữ, tích cực phổ biến dân ca, phong tục tập quán và tri thức dân gian của dân tộc Bố Y mà còn là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, giúp cộng đồng xóa đói, giảm nghèo.
Giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc Bố Y chảy mãi

Sinh năm 1963, người dân tộc Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, từ nhỏ bà Lồ Lài Sửu đã được đắm mình trong môi trường văn hóa đậm bản sắc của dân tộc. Như bao đứa trẻ, bà lớn lên từ lời ru đến những làn điệu dân ca ngọt ngào với ý nghĩa răn dạy đạo lý sâu sắc của ông bà, cha mẹ. Đến tuổi trưởng thành, bà mê tham gia hát đối với đám bạn trẻ, trong những ngày lễ hội, đám cưới.
 
Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu - Người con tiêu biểu của dân tộc Bố Y
Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu -  Người con tiêu biểu của dân tộc Bố Y

Ý thức của người con dân tộc Bố Y, bà luôn chủ động trong tiếp nhận những giá trị văn hóa truyền thống của các thế hệ đi trước, ghi nhớ và trân trọng gìn giữ. Yêu ca hát, yêu những làn điệu dân ca Bố Y, bà tự theo học hát từ những nghệ nhân lớn tuổi trong thôn như bà Vàng Sú, Giàng Sào Hủa.

Trước sự mai một của các giá trị văn hóa quý báu này, khoảng từ năm 1995, bà bắt đầu lưu ý sưu tầm, phiên âm bằng tiếng Việt để ghi chép lại các bài hát dân ca, những điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Không những thế, bà còn đặt lời mới cho các làm điệu dân ca và “biên đạo” các điệu múa truyền thống cho phù hợp với các bạn trẻ, thổi thêm luồng gió mới mẻ, làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Bố Y.

Không thụ động chứng kiến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bố Y bị mai một dần, bà tự nguyện trở thành “hạt nhân” kết nối người dân ở thôn và cả xã Thanh Bình cùng nhau gìn giữ vốn văn hóa quý báu này. Bà tích cực truyền dạy cho con cháu, chị em phụ nữ trong thôn diễn xướng dân gian, vận động mọi người cùng tham gia các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ từ thôn, bản đến xã và huyện nhà.

Am hiểu tường tận các phong tục tập quán, từ các nghi lễ vòng đời đến các nghi lễ nông nghiệp cũng như các tri thức dân gian trong lao động sản xuất và đời sống, bà đã tư vấn cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của phòng văn hóa thông tin huyện cũng như Phòng nghiệp vụ văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai từ năm 2004. Nhiều lễ hội truyền thống của người Bố Y, trong đó tiêu biểu là “Tết mồng 8 tháng 4” - Sử Giề Pà hay Lễ tạ ơn trâu đã được phục dựng (năm 2013), bảo tồn nhờ sự đóng góp tích cực của bà.

Bà cũng là người tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của người Bố Y tại “Ngôi nhà chung” - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho du khách trong và ngoài nước biết đến, làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc trong chính cộng đồng dân tộc Bố Y.

Lùng Tải Phà, cán bộ văn hóa xã Thanh Bình chia sẻ về bà Lồ Lài Sửu: Bà tích cực truyền dạy những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Bố Y cho thế hệ trẻ. Những buổi truyền dạy của bà rất sinh động, nên người học tiếp nhận dễ dàng. Những trò chơi dân gian, những bài đồng dao của người Bố Y, như trò chơi “trồng cây thuốc thơm”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, ca dao về “cầu nương”, “con đường đi”, “ánh trăng”, mà bà truyền dạy đã lôi cuốn các bạn trẻ học và thực hành theo.

Cùng bà con Bố Y thoát nghèo

Như bao người mẹ, người vợ khác ở thôn Lao Hầu, bà Lồ Lài Sửu chăm chỉ lao động, thương chồng thương con nhưng làm lụng vất vả mà quanh năm vẫn thiếu đói. Cây ngô là loại cây lương thực chủ lực được trồng khôngchỉ đối với mỗi gia đình bà mà cả thôn, cả xã. Nhờ cán bộ nông nghiệp ở xã và huyện tư vấn, bà đã mạnh dạn chuyển đổi sang phương thức canh tác mới, chọn trồng giống ngô năng suất cao, trồng quýt và mía xương gà. Ở giai đoạn đầu, cả gia đình bà vất vả lo làm đất, tự khai thác thêm đất canh tác.

Đất rộng mà không có máy móc hỗ trợ, công việc nhiều, cả gia đình bà làm tối ngày. Nhờ chăm chỉ và những tri thức dân gian bản địa về sản xuất mà bà tích lũy có được, cây trồng phát triển nhanh, khỏe mạnh, cho thu hoạch tốt. Việc đoán định thời tiết và nhìn loại đất cũng như cách xua đuổi sâu bệnh, chăm sóc vật nuôi từ kinh nghiệm dân gian mà bà tích lũy đã đem lại hiệu quả trong thực tiễn sản xuất của gia đình. Thu nhập cao hơn giúp gia đình bà không những đủ ăn mà còn mua được gia súc, gia cầm về chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Gia đình bà trở thành hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liên tục và là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2014 với mức thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ lo làm giàu cho gia đình, bà chủ động chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Mỗi năm, gia đình bà còn cho nhiều hộ trong thôn vay vốn sản xuất khoảng 20 đến 30 triệu đồng không lấy lãi. Nhờ đó, đời sống bà con trong thôn, trong xã cũng từng bước được nâng cao.

Bà cho biết: “Bà con yêu văn hóa dân tộc của mình lắm đấy. Nhưng không thể bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nếu lúc nào cái bụng cũng đói, cái áo nào cũng rách. Bà con, các cháu nghèo đói, bỏ học, lo kiếm miếng ăn thì chả ai nghĩ về bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc đâu”. Chính nhận thức sâu sắc và thực tế này đã giúp người phụ nữ Bố Y hành động tích cực để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
 
Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm