Những phụ nữ Tây Nguyên tiêu biểu ở Gia Lai

Những phụ nữ Tây Nguyên tiêu biểu ở Gia Lai

Tỉnh Gia Lai hiện có 995 người uy tín, trong đó có 13 nữ - đánh dấu bước chuyển biến trong nếp nghĩ của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên khi bầu phụ nữ làm già làng, trưởng thôn, người uy tín trong cộng đồng.

Trước đây, việc cai quản buôn, làng thường do nam giới phụ trách. Do vậy, với những người phụ nữ uy tín được bầu chọn, việc quán xuyến công tác cộng đồng có nhiều khó khăn hơn vì tiềm thức của đồng bào tại các buôn làng vẫn cho rằng người đứng đầu thôn, làng là nam giới nên chưa nể trọng phụ nữ khi họ làm công tác này. Để làm tốt công tác tuyên truyền, khẳng định vai trò người phụ nữ cũng như trách nhiệm làm cho buôn làng phát triển hơn, các nữ già làng phải nỗ lực hơn nam giới rất nhiều.

Bà A Hà, 49 tuổi, người dân tộc Ba Na, hiện là trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn Ama Hlil 2, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) cho biết, để được người dân đồng thuận, tín nhiệm, bà phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tận tâm, tìm nhiều phương pháp phù hợp truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến dân làng.

Những phụ nữ Tây Nguyên tiêu biểu ở Gia Lai ảnh 1Chị A Hà (người đứng giữa), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Người uy tín của thôn Ama Hlil 2 đang tuyên truyền người dân cách phòng, chống COVID-19. Ảnh: baodantoc.vn

Là phụ nữ nên bà có lợi thế tuyên truyền theo phương thức "mưa dầm thấm lâu", trò chuyện, tìm cách giải quyết vấn đề cho người dân tỉ mỉ hơn. Việc tuyên truyền thường phối hợp với các cuộc họp dân làng, họp thôn hoặc trong các lễ hội làng. Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ nên mọi quyết định trong nhà phần rất lớn do người phụ nữ quyết định. Vì vậy, bà Hà chủ yếu tiếp cận chị em phụ nữ, tạo các mối quan hệ gắn kết để dễ dàng trao đổi, tâm sự và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách thân thiện, gần gũi nhất.

Bà A Hà không ngừng cố gắng trau dồi kiến thức, gương mẫu và dạy các con chăm chỉ học tập, đi đầu trong công tác phát triển kinh tế để dân làng noi theo. Sự "thay da đổi thịt" của thôn, làng qua từng năm tháng bà A Hà làm trưởng thôn là minh chứng rõ nét về kết quả nỗ lực của bà trong việc cùng đồng bào xây dựng đời sống. Thôn Ama Hlil 2 hiện có 271 hộ, trong đó có tới 209 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai. Nhờ sự tuyên truyền vận động của bà A Hà, từ năm 2016 đến nay, dân làng đã thực hiện được hơn 3km đường bê tông nội thôn, 215 hộ đạt gia đình văn hóa; thôn hiện nay chỉ còn 8 hộ nghèo, gia đình nào cũng phấn khởi, tham gia các cuộc thi đua.

Cũng là một trong những người phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu tại Gia Lai, bà Rmah H’Yơm, dân tộc Jrai, người uy tín của làng King Pênh, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, luôn tiên phong trong các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Làng Kinh Pênh, là một trong 4 làng căn cứ cách mạng của xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) với hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện thiếu thốn, khó khăn. Để giúp người dân vươn lên phát triển, cuối năm 2016, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng Đồn. Để làm tốt đề án này, không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, mà cần sự đồng thuận, hỗ trợ, góp sức của hệ thống chính trị cơ sở như già làng, người uy tín, trưởng thôn.

Bà Rmah H’Yơm chia sẻ, để người dân nghe theo, bà và gia đình luôn tiên phong đi đầu trong mọi công việc, từ góp đất, làm kinh tế đến các công việc của làng. Nhà bà đã tự nguyện góp 2,1 ha đất hợp thửa, vận động đồng bào làm theo để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Không chỉ vận động người dân làm ăn, phát triển kinh tế, bà H’Yơm còn phối hợp để hòa giải cho dân làng, tuyên truyền pháp luật, vận động người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Kpa Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Đội ngũ người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư. Họ chính là cầu nối giữa chính quyền địa phương và nhân dân thôn, làng; gửi tâm tư nguyện vọng của người dân đến các cấp, các ngành. Đội ngũ người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đáng được biểu dương, đặc biệt là những người phụ nữ vượt lên rào cản xã hội, đảm đương trọng trách cùng cộng đồng thôn, làng ngày phát triển kinh tế, xây dựng đời sống no đủ hơn.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm