Theo kế hoạch, dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang phải hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, việc khẩn trương thực hiện lúc này là phải ép, bù lại tiến độ. Các địa phương trong tỉnh phải quyết liệt, nhanh chóng giải quyết tất cả những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% mặt bằng cho các nhà thầu.

Cùng với đó, các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng và hoàn thành thủ tục giao đất các khu tái định cư; thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân; bảo đảm các hạng mục, điều kiện để người dân có thể xây dựng nhà ở.
Đồng thời, các địa phương còn vướng mắc tiếp tục tổ chức đối thoại để giải quyết thấu đáo cho các hộ gia đình, cá nhân chưa nhất trí với phương án hỗ trợ. Đặc biệt, giải thích rõ văn bản số 704/UBND-KT ngày 21/2/2025 về việc UBND tỉnh Tuyên Quang chấp thuận tăng gấp 3 lần hỗ trợ đối với đất nông, lâm nghiệp, vườn ao liền với đất ở.

Bên cạnh đó, giải quyết vướng mắc về đất đắp bởi tỉnh đã chấp thuận chủ trương khai thác đất đắp 3 mỏ. Hiện nay, các nhà thầu đang hoàn thiện các thủ tục cấp phép khai thác, dự kiến bắt đầu khai thác từ ngày 15/4 tới. Vướng mắc về vật liệu đá xây dựng, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép nâng công suất khai thác 6 mỏ đá trên địa bàn. Đối với những khó khăn về nguồn vốn, tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bổ sung thêm số vốn 1.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2025 để hoàn thành dự án giai đoạn 1 và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 là 2.000 tỷ đồng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, các đơn vị cần tập trung nhân lực, vật lực thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa; ba ca, bốn kíp; làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tính đến ngày 31/3, toàn tuyến đã bàn giao được 69,15/69,7 km, đạt 99,21%. Hiện nay, còn 0,55 km (tương đương 0,79%) chưa được bàn giao; giải ngân được 4.195,2/5.634,65 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao, đạt 74,5% kế hoạch.
Qua tìm hiểu được biết, một trong những “điểm nghẽn” của việc giải phóng mặt bằng là do liên quan đến đất của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Yên bị người dân lấn chiếm sử dụng trái phép từ lâu, nay không đồng ý hỗ trợ di chuyển mà đề nghị xem xét được hưởng bồi thường. Cá biệt có những hộ gia đình đã được phê duyệt phương án, nhưng chưa đồng ý nhận tiền đền bù vì cho rằng đơn giá bồi thường thấp, kiểm kê thiếu tài sản. Nhiều gia đình làm nhà trên đất nông nghiệp nên không được bồi thường, song vẫn yêu cầu phải được bồi thường mới di dời...

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư cũng chưa hoàn thiện nên không đủ điều kiện để người dân di chuyển đến nơi tái định cư để bàn giao nơi ở cũ. Đến hết tháng 3/2025, tỉnh Tuyên Quang đã giao đất tái định cư cho 408/479 hộ gia đình. Số hộ còn lại chưa hoàn thành giao đất, tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Yên do còn vướng mắc sụt lún địa chất tại các khu tái định cư như: thôn Phù Hương, xã Bạch Xa; thôn Bưa Nghiệu, xã Phù Lưu cũng như một số hộ gia đình tại các khu định cư khác.
Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Quang Sáng, đơn vị phụ trách thi công khu tái định cư thôn Phù Hương, hiện nay, công ty đã san gạt được khoảng 90% khối lượng đất. Để hoàn thành mục tiêu bàn giao đất cho người dân xây dựng nhà mới trong thời gian sớm nhất, đơn vị đã huy động trên 10 máy xúc, gạt và gần 20 xe ô tô chạy liên tục cả ngày và đêm.

Ông Phạm Văn Huân, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư 122 Vĩnh Thịnh, đơn vị thi công gói thầu số 23, đoạn Km67+880 – Km77+00 cho biết, công ty cam kết huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi làm ngày, làm đêm để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, nếu không sớm có mặt bằng sạch thì rất khó đảm bảo tiến độ dự án. Đồng thời, công ty cũng kiến nghị tỉnh Tuyên Quang cần có biện pháp quyết liệt hơn, thậm chí tiến hành bảo vệ thi công nếu cần thiết để tránh làm chậm tiến độ dự án.
Tại huyện Yên Sơn, ông Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện cho hay, huyện vẫn tiếp tục tăng cường đối thoại, xem xét kỹ lưỡng nội dung các hộ gia đình đang có ý kiến hoặc chưa đồng thuận để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người dân…
Hoàng Hải