Từ đầu mùa khô 2024 - 2025 đến nay, tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn, đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai gắn với phân công, giao nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện vấn đề này. Qua đó, ứng phó khá tốt với biến đổi khí hậu, phòng chống thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025, kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống cống tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương, An Biên - An Minh, tuyến đê bao Ô Môn - Xà No thuộc hai huyện Giồng Riềng, Gò Quao, các cống thủy lợi trên địa bàn thành phố Rạch Giá và hai huyện Châu Thành, U Minh Thượng để phục vụ sản xuất. Tỉnh vận hành hiệu quả Cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch trên địa bàn huyện Châu Thành để kiểm soát mặn, giữ ngọt mùa khô 2025. Đồng thời, phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất của từng khu vực.
Mặt khác, hai huyện An Biên và An Minh vùng bị ảnh hưởng mặn đắp mới, gia cố gần 30 đập đất; gia cố 1 đập lớn cừ thép Larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2024 - 2025, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thuộc chương trình nước sạch nông thôn và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025; các công trình cấp nước tập trung nông thôn; dự án đầu tư mạng đường ống cấp nước đến hộ gia đình sau tuyến ống chính tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trên địa bàn… phục vụ nước sạch sinh hoạt cho nhân dân.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động kiểm soát tốt nguồn nước nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong quý I/2025 mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2024 - 2025 hơn 359.316 ha, tăng 1,85% so cùng kỳ năm 2024, đã thu hoạch trên 266.202 ha, sản lượng ước hơn 1,9 triệu tấn, đạt 40,54% kế hoạch năm 2025; nuôi trồng thuỷ sản với tổng diện tích thả nuôi 116.336 ha, sản lượng thu hoạch 60.137 tấn, tăng 8,55% so cùng kỳ, gồm tôm nuôi nước lợ, cá lồng bè trên biển, nhuyễn thể, cua biển và cá các loại.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Kiên Giang, khu vực tỉnh trong tháng 4/2025 sẽ có những đợt mưa chuyển mùa trên diện rộng, thời kỳ bắt đầu mùa mưa trên khu vực dự báo đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm vào khoảng tuần cuối tháng 4 đến tuần đầu tháng 5/2025. Vì vậy, xâm nhập mặn tháng 4 - 5/2025 sẽ giảm và từ tháng 5 trở đi, xâm nhập mặn trên các sông có xu thế giảm nhanh, trừ sông Cái Lớn. Mặc dù vậy, mặn có khả năng xâm nhập mạnh vào các kỳ triều cường từ ngày 1 - 3/4, 16 - 19/4, 28/4 - 1/5 và thời kỳ còn lại của mùa khô 2024 - 2025 vẫn còn các đợt xâm nhập mặn mạnh trên địa bàn. Tuy nhiên, mặn sẽ rút nhanh trong ngày đối với kênh Cái Sắn và sông Cái Bé khi triều xuống, độ mặn không duy trì nồng độ cao trong ngày và không có khả năng ảnh hưởng đến khu vực cửa lấy nước nhà máy nước Kiên Giang trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên và nhà máy nước Nam Rạch Giá trên kênh Cái Sắn.
Từ nay đến cuối mùa khô 2025, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang tiếp tục theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước và chủ động vận hành có hiệu quả hệ thống các cống trên địa bàn tỉnh; phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý phục vụ sản xuất theo yêu cầu thực tế.
Tiếp đến, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đưa vào hoạt động các công trình cấp nước và hỗ trợ người dân các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô.
Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể với tình hình thực tế tại địa phương, không được chủ quan, lơ là. Đặc biệt, huyện U Minh Thượng tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm; khuyến cáo, vận động các hộ nuôi tôm càng xanh trong các ao, mương trong vùng đệm dừng, không thả nuôi mới cho đến khi bắt đầu mùa mưa để hạn chế tình hình cạn kiệt nước trên hệ thống kênh mương, không đảm bảo cho sản xuất và gây sạt lở, sụt lún các tuyến đường giao thông trong vùng./.
Lê Huy Hải