Trong đời sống tâm linh của người Châu Mạ, hạt lúa có vai trò hết sức quan trọng, vì đó là nguồn lương thực chính nuôi sống con người. Cho nên, họ không tiếc vật nuôi như: dê, lợn, gà, vịt để cúng tế thần lúa. Lễ hội Nhô Rơmùl, thường được người Mạ tổ chức vào tháng 9, 10 dương lịch hàng năm với mục đích mừng cho cây lúa sinh trưởng và chấm dứt những điều kiêng cữ nhằm cầu cho cây lúa phát triển tốt, không bị sâu bọ, chim chóc, muông thú phá hoại, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Nhô Rơmùl. |
Để tổ chức lễ hội này, bà con tiến hành Nhô Tắc năng mùl, quy định ngày để làm lễ cúng. Sau khi dựng các cây nêu phụ được làm bằng tre, nứa ở 4 góc rẫy và một cây nêu chính cao 3 mét (gọi là n’juh me) được trồng ở chính giữa rẫy, gần chòi thì bà con mới tiến hành khai lễ.
Già làng K’Diệp (xã Lộc Bắc) cho biết: “Sau khi các điều kiện cần thiết cho lễ hội đã chuẩn bị xong, tùy theo hoàn cảnh gia đình mà gia chủ chọn con dê, lợn hay con gà, vịt làm vật hiến sinh. Từ sáng sớm, bà con đã tề tựu lên rẫy để thực hiện nghi thức của lễ hội. Tại đây, già làng cắt và lấy huyết (máu) của con vật hiến sinh bôi lên cây nêu, cắt một ít lông của nó để kẹp vào cây nêu. Khu vực quanh cây nêu, bà con còn cúng mâm cơm, trứng gà, chén đựng huyết của con vật hiến sinh. Đây chính là trung tâm của lễ hội, là nơi để dành cho các thần linh về dự lễ và trông nom lúa cho bà con; đồng thời, đây là nơi trú ngụ của hồn lúa. Theo phong tục của người Mạ, vào mùa thu hoạch, những cây lúa tại nơi cúng tế thường sẽ được tuốt sau cùng và khi làm lễ Nhô Rơhe thì họ lấy rơm ở đó mang về nhà và kẹp bên kho thóc của gia đình”.
Sau khi cắt và lấy huyết con vật hiến tế bôi lên cây nêu, bôi lên trán những người trong buôn trước sự chứng kiến của thần linh, không chỉ cầu cho mùa màng phát triển tươi tốt, bội thu mà còn để xua đuổi tà ma, bệnh tật nhằm mang lại sức khỏe, sự bình yên, hạnh phúc cho dân làng.
Lễ hội Nhô Rơmùl tuy là lễ hội mang tính nông nghiệp, nhưng nó có vai trò hết sức quan trọng, thực hiện nghi lễ khấn Yàng, mời gọi các vị thần linh cùng nhau về dự lễ nhằm tạ ơn họ cũng như muốn gửi gắm với các vị thần trông nom cây lúa, xua đuổi thú dữ, chim muông, sâu bọ gây hại cho lúa và gọi hồn lúa về.
Sau nghi lễ, tiếng chiêng, tiếng trống rộn lên từng hồi, làm vang vọng cả vùng núi rừng, như là lời tha thiết mời gọi mọi người hãy cùng nhau về đây chia vui và tận hưởng cái không khí thiêng liêng của buổi lễ, hòa lẫn với những phút giây thật vui tươi và ấm cúng nhưng rất bình dị của cư dân ở vùng đất Nam Tây Nguyên.
Bà con say sưa uống rượu cần, thưởng thức các món ăn truyền thống từ rẫy này đến rẫy kia… Những lời chúc cho nhau, hòa lẫn với những câu chuyện kể, lời ca, tiếng hát và thả hồn với làn điệu múa xoang của các chàng trai, cô gái theo từng nhịp cồng chiêng xua đi cái không khí lặng yên nơi núi rừng. Khi chiều buông xuống, bà con kéo nhau về nhà, tiếp tục đánh cồng chiêng, hát dân ca và uống rượu cần cho tới khi ngày mới bắt đầu thì lễ hội kết thúc.
Báo Lâm Đồng