Lễ cúng thần thổ địa của người dân tộc thiểu số

Lễ cúng thần thổ địa của người dân tộc thiểu số
Hàng năm, cứ vào ngày 2-3 Âm lịch, cộng đồng dân tộc Tày ở các thôn bản của huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) lại nô nức tổ chức lễ cúng thần Thổ địa, cầu mong những điều tốt đẹp cho dân bản. Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Tày phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Trưởng bản sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong thôn, bản. Mỗi người giữ một nhiệm vụ như: Dọn dẹp sạch sẽ miếu Thổ địa, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, giúp già làng khi làm lễ… Ai nấy phấn khởi, lo làm tốt công việc của mình với mong muốn thần sẽ vui và phù hộ cho mình và cho buôn làng. Điều đặc biệt là trong nghi lễ chỉ có nam giới mới được tham dự. Mỗi gia đình sẽ có một đại diện tham gia.
 
Địa điểm tiến hành nghi lễ cúng thần Thổ địa là ở ngôi miếu thờ thần Thổ địa của làng. Đồ cúng gồm có một con gà trống, hương, thuốc lá, rượu, bia và vàng mã được cắt từ giấy bản (giấy dó). Đồ lễ sau khi chuẩn bị xong sẽ được đặt lên bàn thờ Thổ địa. Sau đó, già làng sẽ thắp hương và rót rượu lần lượt vào các chén, vừa cúng vừa đọc bài cúng được soạn sẵn. Bài cúng đại ý cầu cho các gia đình luôn mạnh khỏe và mùa màng không bị thất bát. Sau khi hoàn thành bài cúng, người cúng sẽ bỏ hai cành lá bưởi của năm trước ở hai bên cửa ra vào miếu và cắm hai cành mới vào để ý nói lên rằng năm nay làng đã tổ chức lễ cúng thần Thổ địa.

Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiệc rượu của những người tham gia nghi lễ bắt đầu. Người Tày quan niệm, việc thưởng thức những thức ăn đã qua cúng lễ và ăn ngay tại miếu là một điều may mắn, đem lại cho gia đình và cộng đồng những điều tốt đẹp, vì đó là những vật phẩm đã được thần linh về chứng giám.

Người Kháng ở Lai Châu cúng thần Thổ địa vào ngày 3-3 và 6-6 Âm lịch. Theo quan niệm của đồng bào, trong năm, nhất định phải tổ chức nghi lễ trên hai lần, nếu vì lý do nào đó không thực hiện được thì năm đó cuộc sống dân làng sẽ khó khăn, mùa màng thất bát, con người đau ốm, lợn, gà khó nuôi... Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Kháng phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Thông qua một buổi họp bàn, người làm chủ lễ trong bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Mỗi thành viên giữ một việc: trang trí lại nhà cúng thần, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, giúp thầy cúng khi làm lễ…
 
Mâm cỗ cúng thần thổ địa của người Kháng. Ảnh: nguồn Internet
Mâm cỗ cúng thần thổ địa của người Kháng. Ảnh: nguồn Internet

Trước ngày lễ chính diễn ra, đồng bào cả bản cùng tham gia hội bắt cá tập thể bằng tay, dâng cá cúng, ăn các món ăn bằng cá và múa hát giao duyên... Còn trong ngày lễ chính, chỉ có nam giới được tham dự. Mỗi gia đình có một đại diện tham gia, mỗi người mang theo một ít đồ ăn bằng xôi màu và một ít rượu.

Nơi tiến hành nghi lễ cúng thần Thổ địa là ngoài cánh đồng. Địa điểm tổ chức mỗi năm có thể khác nhưng đều phải đáp ứng các yêu cầu: Gần nguồn nước, có cây, đặc biệt là cây tre để lấy nguyên liệu phục vụ lễ. Vật cúng thần là một con lợn và một con gà. Trong các đồ cúng chuẩn bị cho nghi lễ, quan trọng nhất là mâm cho các thần. Thông thường, có các mâm cúng thần của bốn phương và thần Thổ địa, trong đó mâm của thần Thổ địa là to hơn cả. Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiệc rượu của những người tham gia nghi lễ bắt đầu. Người Kháng quan niệm, việc thưởng thức những thức ăn đã qua cúng lễ và ăn ngay tại nơi hành lễ là một điều may mắn, đem lại cho gia đình và cộng đồng những điều tốt đẹp, vì đó là những vật phẩm đã được thần linh về chứng giám. Ngoài việc thưởng thức tại nơi hành lễ, mỗi thành viên trong cộng đồng sẽ được chia một chút lộc về gia đình lấy may.

Người Mông gọi nghi lễ cúng thần Thổ địa là Thứ Tỷ. Người Mông quan niệm mỗi khu đất, mỗi vùng đất đều có một vị thần cai quản, do vậy trước khi canh tác, làm nhà, sinh sống trên một khu đất mới người ta phải cúng Thứ Tỷ, tức là cúng thần Thổ địa. Mục đích của việc cúng là cầu xin thần Thứ Tỷ bảo quản đất đai không bị sạt lở, cây lúa, cây ngô không bị đổ, không bị thú vật phá hoại. Cúng Thứ Tỷ có thể là một gia đình khi làm một nương mới, một dòng họ hoặc cả một cộng đồng. Nơi cúng Thứ Tỷ là một tảng đá to, bền vững trong khu đất hoặc nằm giữa làng bản. Một gia đình khi muốn làm một nương mới, việc đầu tiên phải chọn một hòn đá to trong nương để cúng. Hòn đá cũng coi như bàn thờ. Trước hòn đá phải đặt gà, rượu và thắp hương cúng. Nhổ lông gà, dính máu rồi dính vào hòn đá. Khi cúng cầu xin Thứ Tỷ bảo quản đất đai không bị sạt lở, cây cối tốt tươi, không bị đổ, không bị trâu bò phá. Đối với gia đình thì chủ nhà tự cúng, đối với dòng họ hoặc cả một cộng đồng, việc cúng Thứ Tỷ cũng được dòng họ hoặc cả một cộng đồng toàn bản. Tảng đá cúng Thứ Tỷ được chọn nằm ngay ở trung tâm bản. Bản cử người ra trông coi tảng, các dòng họ trong bản khác nhau cử người luân phiên ra bảo vệ tảng đá Thứ Tỷ vì tảng đá rất thiêng. Hàng năm bản vẫn tổ chức cúng Thứ Tỷ cho toàn bản ở tảng đá. Ngày làm cúng Thú Tỷ cũng là ngày cúng Nao Lồng. Người ta đem đến đây một con lợn và hai con gà để cúng. Sau khi cúng xong, cùng với con lợn.

Người Giáy gọi nghi lễ cúng Thổ địa là Tú Tỉ, nghi lễ cầu mong Thổ địa nơi mình định cư phù hộ cho bà con được an lành, người dân trong bản được khoẻ mạnh, mùa màng tươi tốt, gia súc gia cầm không mắc bệnh. Tú Tỉ được tổ chức vào tháng 2 hàng năm là nghi lễ được cộng đồng, làng bản quan tâm hơn cả, bởi ngoài việc cúng Thổ địa cầu mong mọi điều may mắn, bà con còn được vui chơi, hát múa, làm các món ăn thể hiện nét văn hóa truyền thống dân tộc mình. Đồng bào quan niệm cúng Tú Tỉ sẽ quyết định đến sức khoẻ, mùa màng của cả năm đối với bà con dân bản. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị lễ vật đầy đủ, trong bản những ngày này được dọn vệ sinh sạch sẽ, mỗi gia đình chỉ được một người đàn ông có mặt tại bàn thờ lễ. Người vào khu vực cúng không được mặc đồ màu trắng, màu đỏ, bởi như vậy lúa sẽ bị chết trắng, nhà cửa bị cháy.
 

Ngày diễn ra lễ, phụ nữ không được tới, đặc biệt là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Các bài cúng xoay quanh việc cầu xin thần Thổ địa phù hộ độ trì cho dân bản được an lành, hạnh phúc, may mắn, khoẻ mạnh, làm ra thóc đầy bồ, ngô đầy sàn, trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy chuồng. Đàn ông thụ lễ tại khu vực cúng, cầu mong sự an lành, khoẻ mạnh sẽ được thần Thổ địa phù hộ cho gia đình mình. Tại lễ Tú Tỉ, các món ăn truyền thống được bà con làm ra, mang đậm nét văn hóa ẩm thực bản địa: cá nướng, cơm lam, thịt nướng, thịt đỏ, khẩu nhục, sáo xíu của người Giáy…

Sau khi thực hiện nghi lễ cúng thần Thổ địa, đồng bào các dân tộc an tâm bắt tay vào công việc trồng, cấy… Nghi lễ cúng thần Thổ địa mang giá trị nhân văn to lớn, thể hiện tinh thần cộng cảm, cộng mệnh và cố kết cao giữa các thành viên trong cộng đồng.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm