Lễ cúng bản của người Si La

Tết của người Si La (Điện Biên). Ảnh: baodienbienphu.info.vn
Tết của người Si La (Điện Biên). Ảnh: baodienbienphu.info.vn

Là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc Si La chỉ sinh sống ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé), bên bờ suối Nậm Sin, cạnh đường vành đai biên giới.

Bản Nậm Sin cách trung tâm xã Chung Chải khoảng 16km. Người Si La ở đây có dân số ít (gần 50 hộ) nhưng lại có một nền văn hóa khá phong phú và mang tính đặc trưng, nhận diện văn hóa riêng.

Lễ cúng bản của người Si La ảnh 1Tết của người Si La (Điện Biên). Ảnh: baodienbienphu.info.vn

Trong lễ tục vòng đời, người Si La có các nghi lễ quan trọng, nổi bật như: Lễ cúng bản, lễ cúng hồn lúa, lễ cúng nương, lễ cúng cơm mới, lễ gieo hạt, lễ cầu mùa, Tết cổ truyền… Trong đó, lễ cúng bản là nghi lễ tín ngưỡng đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phản ánh khát vọng vươn lên, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng bản được cộng đồng người Si La tổ chức vào tháng Giêng hàng năm trước khi bản làng bắt đầu vào vụ mới, nhằm cầu chúc cho mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, bình yên; có cuộc sống ấm no; mùa màng tươi tốt, bội thu.

Trước khi tiến hành lễ cúng khoảng một tuần, bản làng họp để chọn và ấn định ngày tổ chức; đồng thời bầu ra một người đàn ông lớn tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong bản, được mọi người quý mến, kính trọng làm thầy cúng.

Vai trò, nhiệm vụ của thầy cúng là xuyên suốt quá trình cúng bản, khi trực tiếp tham gia làm cổng cấm và điều hành mọi công việc, lễ thức trong cả tiến trình cúng bản. Do đó, các mệnh lệnh, yêu cầu của thầy cúng đưa ra trong lễ cúng sẽ được mọi người tuân theo, thực hiện.

Lễ cúng bản có phạm vi, quy mô của bản nên mỗi gia đình phải cử một người đàn ông khỏe mạnh, khéo tay, giỏi làm nương, thạo săn bắt để đại diện cho gia đình tham gia vào việc chung của bản.

Vào giờ tốt, ngày đẹp đã định, thầy cúng và người dân sẽ tập trung dựng cổng cấm ở vị trí cửa ngõ con đường vào bản. Theo đó, hai cột đứng là hai cây to, một cây gỗ bắc ngang bên trên sẽ được dựng lên chắc chắn. Bên trên cây gỗ bắc ngang có cắm các hình tượng biểu trưng cho mũi giáo, súng, kiếm và nhiều “plạ” – được đan bằng tre hoặc nứa với hình dạng mắt cáo (giống như biểu tượng “ta-leo” của người Thái, Cống… và xuất hiện nhiều trong các nghi lễ quan trọng của các cộng đồng dân tộc này). Ngoài ra, người dân còn dựng hai bó cây thuộc họ dong riềng ở hai bên cột cổng cấm. Một đoạn dây dài được bện bằng cỏ gianh và một đoạn dây được kết nối bằng các vòng tròn nhỏ đan từ tre, lồng vào nhau cũng được quấn lên cổng cấm.

Lễ vật cúng bản được người dân chuẩn bị sẵn, gồm: Một con chó đen, một con gà trắng và một bát gạo.

Hoàn tất quá trình dựng cổng cấm, thầy cúng (chủ lễ) hướng dẫn mọi người thực hiện các nghi thức tượng trưng, nhằm ngăn chặn các tai họa, xui xẻo xâm nhập vào bản làng. Người Si La có quan niệm thế giới tâm linh có ba tầng vũ trụ: Trời (nhì nợ), đất (mí thờ) và thế giới lòng đất (à pì xé né), nên khi cúng thầy cúng sẽ đọc lời khấn mời các vị thần núi, rừng, sông, suối… về hưởng lễ vật. Sau đó, mọi người mới khấn nguyện, cầu mong các đấng thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe, bản làng được bình yên, đoàn kết, làm ăn may mắn, nương rẫy cho mùa màng bội thu, ao suối có nhiều cá, chuồng trại có nhiều gia súc, gia cầm.

Khi thầy cúng kết thúc thực hành lễ, mọi người sẽ chế biến vật hiến sinh (chó, gà) và tổ chức thụ lễ ngay tại khu vực dựng cổng cấm.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng bản, bản làng đặt trong trạng thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bởi họ quan niệm, nếu ai đó ra khỏi bản sẽ mang đi hết những điều tốt đẹp, may mắn; ngược lại nếu có người lạ vào bản, những điều xấu, không may mắn sẽ theo vào và năm đó người dân trong bản sẽ hay ốm đau, mùa màng thất thu. Trong ngày diễn ra lễ cúng bản, người trong cộng đồng không được to tiếng cãi vã nhau, ngược lại các gia đình đều gần gũi, thân tình, đoàn kết với nhau.

Trưởng bản Nậm Sin Lỳ Hồng Sơn cho biết, lễ cúng bản đã có từ rất lâu và được cộng đồng dân bản gìn giữ. Nghi lễ này đánh dấu sự khởi đầu cho một năm lao động sản xuất nông nghiệp của người Si La. Bởi sau khi tổ chức xong lễ cúng bản, ngày hôm sau, người dân mới lao động sản xuất.

Tại tỉnh Điện Biên, Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) là bản duy nhất có người Si La sinh sống. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ với những chương trình, chính sách đầu tư, đặc biệt là Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ được thụ hưởng đề án này nên cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay, diện mạo bản làng nơi biên giới đã khang trang hơn.

Trưởng bản Nậm Sin Lỳ Hồng Sơn cho biết, bản Nậm Sin đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình dân sinh quan trọng, thiết yếu như giao thông, trường lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng... Các hộ dân trong bản được hỗ trợ mua giống gia súc, gia cầm; xây dựng chuồng trại chăn nuôi; mua vật tư phân bón phục vụ sản xuất; đào ao nuôi cá; được tập huấn nâng cao trình độ sản xuất...

Đến nay, thiết chế văn hóa của cộng đồng người Si La ở bản Nậm Sin đã phát triển bền vững hơn khi phục dựng được một số lễ hội truyền thống, khôi phục trang phục truyền thống; thành lập và duy trì đội văn nghệ của bản. Đặc biệt hơn, người dân trong bản đã có những thay đổi căn bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ chỗ chỉ biết làm nương bằng hình thức chọc lỗ, tra hạt, đến nay người Si La đã biết áp dụng những kỹ thuật canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích lúa nước…

Sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nơi cực Tây Tổ quốc, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên nên đặc điểm nổi bật trong lễ cúng bản của dân tộc Si La là sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên; phản ánh thái độ, văn hóa ứng xử tôn trọng thiên nhiên của cộng đồng dân tộc Si La. Qua lễ cúng bản, tính cố kết cộng đồng của người Si La càng bền chặt hơn. Đây là một nét đẹp văn hóa đang được cộng đồng người Si La ở Nậm Sin gìn giữ và phát huy.

Hải An

(TTXVN)
Dân tộc Si La Dân tộc Si La

Tên tự gọi: Cù Dề Sừ.

Tên gọi khác: Kha Pẻ.

Dân số: 709 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, gần với Miến hơn.

Lịch sử: Người Si La có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Trước kia chuyên làm nương du canh, nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô trên ruộng nương. Hái lượm giữ vị trí quan trọng trong đời sống.

Ăn: Người Si La quen dùng cả cơm nếp và cơm tẻ với các loại canh rau rừng là chính. Ðạm thực vật chủ yếu là sản phẩm của săn bắt, đánh cá.

Mặc: Phụ nữ mặc váy, hở bụng, áo cài khuy bên nách phải, nổi bật là vạt ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm; cổ và tay áo được trang trí bằng cách gắn lên những đường vải màu khác nhau. Váy màu đen hay chàm, khi mặc giắt ra phía sau. Khăn đội đầu phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai.

Tục nhuộm răng phổ biến, nam giới nhuộm đỏ, nữ nhuộm đen.

: Người Si La quần tụ trong vài ba bản ở huyện Mường Tè, Lai Châu. Ở nhà đất, hai gian và hai chái nhỏ, có hiên và một cửa ra vào. Bàn thờ ở góc trái trong cùng, trên có một chén rượu nhỏ và một quả bầu. Bếp chính ở giữa nhà, kê ba ông đầu rau bằng đá, ông đầu rau quan trọng nhất, nơi mà tổ tiên thường ở, trông coi bếp lửa, quay lưng hướng về bàn thờ.

Phương tiện vận chuyển: Người Si La phổ biến dùng gùi. Ngoài ra họ còn biết dùng thuyền, mảng đi lại trên sông.

Quan hệ xã hội: Làng bản Si La xưa kia chịu sự cai quản của hệ thống chức dịch người Thái, chưa có sự phân hoá giai cấp. Tính cộng đồng trong công xã cao.

Quan hệ dòng họ khá chặt chẽ. Có nhiều tên họ khác nhau nhưng họ Hù và họ Pờ đông hơn cả. Do quan niệm cùng tên họ là cùng chung tổ tiên xa xưa do điều kiện cư trú xa cách, người ở chi họ này dễ dàng xin nhập sang chi họ khác, cùng thờ tổ tiên với nhau. Mỗi chi họ đều có người già nhất, không phân biệt dòng trưởng hay thứ, đứng đầu. Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Những đồ thờ gia bảo của dòng họ bày ở bàn thờ là trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu. Khi người trưởng họ mất, chỉ sau 3 năm người lên thay mới được quyền chuyển những đồ thờ này sang bàn thờ nhà mình. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Những người cùng họ không được lấy nhau.

Cưới xin: Trai gái yêu nhau được quan hệ với nhau, người con trai được ngủ qua đêm tại nhà người yêu của mình. Có tục cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng. Lần thứ hai sau một năm, nhà trai trao tiền cưới cho nhà gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ sinh con ở trong nhà, đẻ ngồi. Nhau đẻ đựng trong ống nứa, phủ một lớp tro bếp lên trên dựng ở góc bếp cho đến ngày đặt tên cho đến ngày đặt tên cho đứa trẻ. Họ thường mời bà già trong bản tới đặt tên cho con để mong con sống lâu. Sau khi đặt tên, bà già này bịt ống đựng nhau bằng lá chuối, nếu con trai buộc chín lạt, con gái buộc bảy lạt, rồi đem treo hoặc chôn. Lễ cúng hồn cho trẻ sơ sinh được tiến hành 3 ngày sau khi đặt tên.

Ma chay: Nghĩa địa thường để dưới bản, mộ của những người cùng họ thường ở gần nhau. Kiêng đặt mộ xa giữa những người khác họ. Chọn được đất ưng ý để đặt mộ thì cuốc một nhát, đặt cục than vào nhát cuốc đó, coi như đất đã có chủ. Sáng hôm sau mới làm nhà táng và đào huyệt. Quan tài bằng khúc gỗ bổ đôi khoét rỗng. Cúng đưa hồn người chết về quê hương cũ ở Mồ U. Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Không có tục cải táng và tảo mộ. Ðể tang bằng cách: con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ.

Thờ cúng: Con cái thờ bố mẹ đã mất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Ðến khi chia nhà thì mang chén đó ra lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Lễ cúng bàn là lễ cúng quan trọng nhất cầu mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm. Cứ 7 năm lại làm lễ cúng hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để đưa hồn lúa từ nương về bản, tới nhà rồi cất kỹ trên bồ thóc.

vna_potal_lai_chau_doc_dao_tet_co_truyen_cua_dan_toc_si_la_o_can_ho_6550762.jpg
Thầy mo làm lễ cúng tổ tiên và thần linh. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Học: Trước kia, họ không có chữ viết riêng, kinh nghiệm trao truyền bằng lời hoặc qua thực hành.

Văn nghệ: Người Si La hát giao duyên giữa nam nữ thanh niên, hát sử ca.

Tết lễ: Ngày tết năm mới vào đầu tháng 12 âm lịch. Ngoài ra họ còn ăn tết cơm mới.

Chơi: Các em nhỏ Si La thường chơi các đồ chơi tự chế từ tre gỗ hay đất sét. Ðồng thời, chúng cũng có các trò chơi tập thể rất vui nhộn.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm