Ông mối và gia chủ gặp gỡ nhau để trao lễ vật và bàn bạc về đồ sính lễ cho đám cưới của đôi trai gái. |
Nét đặc sắc trong lễ ăn hỏi của dân tộc Sán Chí là nhà gái và nhà trai có thi hát đối. Theo nghệ nhân Trần Thị Kim Loan, dân tộc Sán Chí, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết: Khi nhà trai đến cửa nhà gái, nhà gái mang một sàng rượu ra chặn lối cửa ra vào. Nhà trai muốn vào được trong nhà phải hát với nhà gái, bao giờ thắng thì mới được vào nhà, nếu nhà trai hát thua nhà gái thì sẽ phải chịu phạt uống rượu và chịu sàng rượu lên đầu.
Nhà trai hát thua nhà gái, phải chịu phạt đổ sàng rượu lên đầu mới được bước vào nhà. |
Đoàn nhà trai vào trong nhà, ông mối xin nhà gái lấy cho một cái sàng và một cái đĩa để bày lễ nhà trai mang sang. Nhà gái nhận lễ bằng hình thức bổ cau và têm trầu mời hai bên cùng ăn, ông mối và đại diện nhà gái ăn một miếng trầu trước sau đó mới mời anh em họ hàng. Tiếp đó nhà gái làm lễ báo cáo tổ tiên xin phép được gả con gái cho họ nhà trai. Sau đó, nhà gái bày cỗ mời nhà trai uống rượu và hát cháu côộ (một nữ mang khay rượu đủ mỗi người một chén, bên nữ hát trước, bên nam hát đáp lại, 2 lượt 4 bài. Sau 4 lượt, bên nữ mời bên nam uống rượu).
Nhà gái bổ cau, mời trầu nhà trai. |
Khi mọi thủ tục trong lễ ăn hỏi đã được bàn bạc xong, nhà trai xin phép ra về, lúc này nhà gái lại đứng chặn trước cửa ra vào. Mỗi người ra về đều được đánh dấu bằng cách quệt nhọ vào mặt (trừ ông mối) để đi đường gặp nhiều may mắn và ma quỷ không nhận ra.
Sau lễ đặt gánh là thời kỳ ăn giá bạc, tức là thời kỳ hai họ đi lại và đôi trai gái tìm hiểu về nhau. Thời gian này có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm. Hiện nay, có nhiều đám cưới của người Sán Chí thời kỳ ăn giá bạc kéo dài chỉ từ 1 tháng đến nửa năm.
Nhà gái làm lễ báo cáo tổ tiên, xin phép được gả con gái cho nhà trai. |