Giấy dó của người Mông được làm từ cây giang bánh tẻ, khi chặt về cạo sạch lớp vỏ bên ngoài, chặt thành từng đoạn rồi ninh kỹ trong nước cùng với tro bếp. Người ta ninh tới khi cảm thấy ống giang này mềm thì vớt ra, đem ngâm trong nước vài ngày rồi lấy ra đập nát, thả vào thùng nước, khuấy lên sẽ được một hỗn hợp bột giấy. Tiếp đó người ta sàng lọc những mảnh giang to bỏ ra và để lắng lại những bột nhỏ, mịn. Ðể làm thành giấy, họ phải làm sẵn khuôn cán giấy, tùy vào nhu cầu sử dụng có thể làm khuôn to hoặc nhỏ, nhưng thường sử dụng khuôn có hình chữ nhật, mặt khuôn bằng vải, 4 cạnh nẹp 4 thanh gỗ chắc chắn. Khi làm giấy, người ta múc hỗn hợp bột giấy nhỏ mịn đã lọc đổ lên trên mặt khuôn, cán phẳng đều, sau đó từ từ nhấc khuôn lên, bột giấy sẽ bám đầy trên mặt khuôn. Lúc này đem khuôn ra phơi, đợi đến lúc khô sẽ thành giấy và lấy ra khỏi khuôn rồi tiếp tục làm lớp giấy khác.
Người Mông cắt giấy dó để trang trí ngày tết Nào Pê Chầu |
Người Mông sử dụng giấy dó trong các nghi lễ. Vào ngày Tết họ dùng để dán lên bàn thờ xử ca, trang trí xung quanh nhà cửa. Nhà nào có người làm thầy cúng hay thầy thuốc thì lập bàn thờ riêng nên giấy dó cũng dùng để trang trí những ban thờ này. Giấy dó được cắt thành những miếng nhỏ để làm tiền âm phủ, đốt biếu tặng các ma nhà khi các nghi thức cúng lễ kết thúc.
Kỹ thuật làm giấy dó của người Dao cũng đã trở thành tập tục truyền thống. Người Dao có rất nhiều nghi lễ, trong mỗi nghi lễ ấy giấy dó là vật dụng rất quan trọng như: sao chép, lưu giữ các bài cúng, làm giấy tiền để cúng, làm giấy lót, dải xuống đáy quan tài khi có người chết. Hiện nay người Dao vẫn chú trọng làm loại giấy này bằng kỹ thuật thủ công, đó là khi lúa chín vàng, lượm thành từng con nhỏ đập lấy hạt, để lại rơm, lấy rơm khô đem ninh cùng tro bếp từ 1 - 2 ngày. Rơm được đun liên tục qua đêm cho tới khi nhừ, vớt ra, rửa sạch và cho vào ngâm nước lạnh để mọi vết bẩn và tro bếp bám vào rơm bong ra. Sau đó lấy đòn cứng đập nát rơm rồi cho rơm vào nước, hòa tan đổ ra sàng để lọc bỏ những cái to, còn lại bột rơm nhỏ lắng xuống. Người ta đóng một cái khung, căng một mảnh vải vừa cái khung đó có cắm chốt sao cho vải thật căng rồi đổ bột rơm nhỏ láng đều trên mặt vải một lượt mỏng và mang phơi. Khi cảm thấy bột rơm khô, lấy xương sườn trâu mài sắc, mỏng để cậy xung quanh khung vải, lật dần lớp giấy ra ngoài. Khi đã có cả mảng giấy to, người ta cắt nhỏ từng miếng tùy theo mục đích người sử dụng.
Người Dao không dùng rơm nếp để làm giấy dù rơm nếp có độ dẻo và mùi thơm mà bắt buộc phải sử dụng rơm tẻ do người Dao quan niệm rằng gạo nếp để nấu xôi có độ kết dính rất cao và đương nhiên rơm nếp cũng có độ dẻo dai hơn rơm tẻ rất nhiều. Vì vậy nếu làm giấy bằng rơm nếp để cúng xua đuổi ma sát hại thì những hồn ma này bị dính lại hoặc vương vấn không bỏ đi.
Khi vào nhà người Mông, nhìn lên ban thờ sẽ nhìn thấy những mảng giấy dó được cắt thành những hình thù khác nhau để trang trí và mảnh giấy nhỏ dán mấy túm lông gà treo trên tường gọi là xử ca hay tìm đến những cuốn sách bằng giấy dó ghi chép những bài cúng của người Dao, họ lưu giữ mấy chục năm nhưng không bị mục nát. Ðiều này cho thấy giá trị bền vững của sản phẩm là giấy được làm từ kỹ thuật thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số. Và đáng trân trọng hơn, kỹ thuật làm giấy này vẫn được đồng bào thực hành để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Theo baodienbienphu.info.vn