Theo tiếng Xê Đăng, “xoe” tạm dịch ra là “cúng”. Khi “xoe”, người Xê Đăng làm lễ cúng Yàng để báo cáo, xin cầu Yàng ban sức khỏe cho con người, giúp tài sản được sử dụng bền lâu…
Lễ cúng của người Xê Đăng ở Kon Tum. Ảnh: Quang Thái |
Già A Ek (làng Kon Nu, xã Đak Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cho biết: Trước khi vào vụ mùa, các gia đình trong làng đều “xoe” rẫy. Lễ “xoe” ở đây phải là gà trống, rượu ghè, nhà nào có điều kiện thì “xoe” heo, dê tùy thuộc vào mức độ lớn, bé tương đương với món đồ cần “xoe”, đặc biệt lễ “xoe” không được làm thịt chó hoặc bò vì những con vật này được cho là xui xẻo.
Trước khi “xoe”, các gia đình phải nhờ già làng xem ngày lành tháng tốt rồi mới tổ chức. Nghi lễ này được thực hiện tại nhà, vật hiến tế là một con gà trống và ghè rượu cần. Sau khi làm thịt gà thì cắt lấy một phần miếng gan sống đem xiên vào 2 thanh tre đã vót nhọn, tiết của con vật tế lễ được nhỏ giọt vào 2 ống lồ ô đã pha rượu cần vào trước rồi lắc đều cho chúng hòa vào với nhau. Phần gan sống đã xiên vào thanh tre cộng với 3 ly rượu cần được mang lên để trên bàn thờ “xoe” Yàng. Ghè rượu cần được đặt nơi trang trọng, bên cạnh cột chính ngôi nhà, rồi được đánh dấu ngày tháng để nhìn vào thì nhớ là của ai và gắn với kỷ niệm gì trong đời người.
Sau khi lễ vật đã hoàn thành, chủ nhân đứng trước bàn thờ khấn Yàng cho sức khỏe và bình an cho khu vực rẫy của gia đình, cầu mong mùa màng bội thu... rồi tổ chức ăn uống, cách một ngày sau mới bắt đầu đi tỉa lúa.
Đối với tục “xoe” một món đồ mới mua thì cũng tương tự như trên, nhưng còn có thêm một thủ tục nữa là khi “xoe” Yàng xong thì mang 2 ống lồ ô có đựng rượu cần và tiết con vật tế lễ ra bôi vào vật dụng mới mua như ti vi, xe máy, máy giặt, bàn ghế… để khấn Yàng ban cho sức khỏe và đồ vật dùng được bền hơn..
Anh U Ôn (làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đak Hà, Kon Tum) cho biết: “Nhà tôi mới mua một cái tiv i nên tôi vừa “xoe” ti vi. Mình có niềm vui thì phải “xoe” với Yàng để Yàng biết mà cho mình sức khỏe, cho cái ti vi không bị hư. Các già trong làng nói ai mua đồ mà không “xoe” thì đồ nhanh hư lắm”. Còn anh U Rớp (làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đak Hà) cũng kể lại: Lúc anh đậu đại học, không chỉ có gia đình vui mừng mà cả làng, cán bộ xã cùng đến chúc mừng. Do vậy, U Rớp đã quyết định “xoe” lớn để xứng với kết quả bao nhiêu năm miệt mài đèn sách. Cả làng họp nhau lại múa xoang, đánh cồng chiêng, uống rượu cần, ăn thịt nướng chúc mừng niềm vui trong suốt 3 ngày.
Ông Nguyễn Đình Lĩnh-Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo, huyện Đak Hà (Kon Tum) cho biết: “Tục cúng rẫy, cúng đồ mới của bà con nơi đây khá phổ biến. Là xã có 100% là người dân tộc Xê Đăng, chúng tôi tôn trọng và cùng giữ gìn những văn hóa đặc trưng của người dân tộc bản địa”. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, vì điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa còn khó khăn nên chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách tổ chức các tục lệ văn hóa một cách tiết kiệm nhất nhưng vẫn giữ được nét truyền thống dân tộc.
Hồng Điệp (Theo baogialai.com.vn)