Nằm giữa sông Cổ Chiên, sông Hậu và tiếp giáp Biển Ðông, Trà Vinh là một trong những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô. Trước thực trạng đó, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc…
“Biến đổi khí hậu mặc dù diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Trà Vinh sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng không đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và tưới tiêu” - Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh.
* Những công trình phát huy tác dụng
Nhắc đến những công trình thủy lợi của tỉnh Trà Vinh, không thể không nhắc đến hệ thống cống Bông Bót, Tân Dinh. Trò chuyện với cán bộ Xí nghiệp thủy nông huyện Cầu Kè, chúng tôi mới hiểu hết sự đổi thay trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào kể từ khi hệ thống cống Bông Bót, Tân Dinh đi vào hoạt động (tháng 01/2020).
Nằm trên địa bàn xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Bông Bót và Tân Dinh là hai công trình thuộc tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, phục vụ việc ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước cho các huyện vùng ven biển như Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải... Từ khi hai cống này được vận hành, Trà Vinh đã khắc phục được tình trạng nước mặn xâm nhập lấn sâu vào nội đồng, không còn chuyện thiếu nước tưới vào mùa khô, bảo vệ được toàn bộ diện tích lúa, hoa màu cũng như cây ăn trái.
Ông Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: “Cầu Kè là địa bàn có 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, phần lớn sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Chủ động ứng phó với hạn mặn, huyện Cầu Kè chú trọng khơi thông các tuyến kênh mương, triển khai 6 dự án nạo vét 33 kênh thủy lợi nội đồng, 3 dự án nâng cấp, sửa chữa bờ bao. Sau khi có hệ thống cống, kênh thủy lợi, kiểm soát tốt nguồn nước, đồng bào trong huyện rất phấn khởi, yên tâm sản xuất hơn trước nhiều”.
Tháng 8/2022, Trà Vinh đưa vào vận hành Trạm bơm Kênh 3/2 tại xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần. Thông qua trạm bơm này, địa phương đã bơm đủ nước ngọt phục vụ diện tích trồng lúa Đông Xuân của huyện Trà Cú và một phần các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải; cơ bản đáp ứng cho gần 26.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời phục vụ các nhà máy nhiệt điện tại thị xã Duyên Hải và Khu kinh tế biển Ðịnh An.
Từ khi Trạm bơm Kênh 3/2 được đưa vào sử dụng, việc sản xuất của đồng bào Khmer ở huyện Trà Cú ngày càng thuận lợi. Đồng bào Khmer ở xã Phước Hưng phấn khởi thông tin: Năm nay, lúa Đông Xuân không bị nhiễm mặn nên hạt no mẩy, bông không bị xèo lép, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, bán với giá 8.500 đồng/kg, trừ hết chi phí đồng bào lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.
Mùa khô năm nay, để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh đã triển khai Dự án công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn; xây dựng bờ kè và hồ lắng trạm cấp nước xã Nhị Long, huyện Càng Long; duy tu, sửa chữa các trạm cấp nước xuống cấp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cung cấp nước sạch cho gần 40.800 hộ dân, không còn phải đối mặt với tình trạng “khát nước”.
* Thích ứng biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững
Trước tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Trà Vinh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là với ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh chủ trương đa dạng hóa hình thức nuôi trồng thủy sản thông qua việc khuyến khích nông dân vùng ven biển nhân rộng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, mang lại lợi ích “kép”, vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa tăng dần độ che phủ diện tích rừng ngập mặn.
Nằm ở phía Tây Nam huyện Duyên Hải, cách trung tâm huyện 18 km, Long Vĩnh là một xã đảo với 29% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Chúng tôi phải đi phà Láng Sắt mới đến được với những hộ Khmer ở ấp La Ghi, nghe họ kể về kinh nghiệm nuôi tôm dưới tán rừng để có thu nhập và cuộc sống khởi sắc như ngày hôm nay.
Bà Kiên Thị Sa Ri ở ấp La Ghi cho biết, hộ gia đình bà đang nuôi tôm dưới tán rừng trên diện tích hơn 3 ha ở xã Long Vĩnh. Việc nuôi tôm dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế bền vững, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh trên tôm nuôi. Bình quân mỗi héc-ta, gia đình bà có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ông Võ Trần Vũ Linh, cán bộ nông nghiệp xã Long Vĩnh thông tin, xã hiện có nhiều hộ, tổ hợp tác nuôi tôm dưới tán rừng. Tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng bù lại đồng bào có thu nhập ổn định, góp phần cùng cộng đồng bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, tạo môi trường sinh thái bền vững vùng ven biển. Năm 2023, sản lượng tôm sú của xã Long Vĩnh đạt 1.720 tấn, tôm các loại đạt 680 tấn, thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,8%.
Rời xã Long Vĩnh, chúng tôi đến xã nông thôn mới Ngũ Lạc. Toàn xã hiện có 10 ấp với 4.661 hộ dân, 64% là đồng bào dân tộc Khmer. Theo chân ông Lâm Văn Tạo, cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi đến thăm hộ ông Thạch Sonl và bà Thạch Thị Cô Lạp. Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, gia đình ông Sonl, bà Cô Lạp đã chủ động đầu tư nhà lưới, áp dụng hệ thống phun sương tự động để trồng ớt. Cùng với chăn nuôi 7 con bò, gia đình hiện có thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngũ Lạc, nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, đời sống người dân giờ đây được nâng cao đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân trong xã đạt 68,11 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,82%...
Bài: Thu Hương - Ảnh: An Hiếu