Trà Vinh tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp làm môi trường nước biến động, thuận lợi cho các mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn trong môi trường nước bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng trên tôm nuôi, đặc biệt là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh vi bào tử trùng. Chỉ tính trong tuần qua, toàn tỉnh thiệt hại hơn 6 triệu con tôm giống.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Văn Dũng cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ, tránh dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các ngành liên quan, UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cáo hiểu biết cho người dân về dịch bệnh và cách phòng, chống.

Cùng với việc bố trí nguồn lực đề triển khai hiệu quả các kế hoạch phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát dịch bệnh tại địa phương, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các đơn vị sản xuất giống, người nuôi tôm về các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn khai báo dịch bệnh, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp tự ý xả thải, giấu thông tin tôm bệnh làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát để kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh; xây dựng cơ sở sản xuất giống, nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phân công cán bộ bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh theo phương châm "phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa" để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi; tăng cường kiểm soát con giống, xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn. Cùng với đó, thiết lập đường dây nóng để tiếp thông tin, xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, tôm chết, tôm có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo Chi cục Thú y vùng, Cục Thú y để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thành lập Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

Vụ nuôi tôm 2023-2024, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi trên 226 triệu con tôm sú giống trên diện tích 5.616 ha, đạt 23,9% kế hoạch; thả hơn 1,2 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1.845 ha, đạt 23,9%. Từ đầu vụ nuôi đến nay, toàn tỉnh đã thiệt hại trên 10 triệu con tôm sú giống trên diện tích hơn 82 ha và gần 92 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 100 ha.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm