Bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu bão những ngày đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Trước sức tàn phá của thiên nhiên, tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của người Việt Nam như được nhân lên gấp bội, lan tỏa nơi bão lũ...
Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói rét, thiếu nước uống, không có chỗ ở; khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 7%…” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương về khắc phục hậu quả bão số 3.
Bão số 3 gây hậu quả nặng nề
Bão số 3 ập đến với sức tàn phá khủng khiếp cùng với hoàn lưu bão đã khiến đồng bằng và vùng núi phía Bắc lũ lụt, sạt lở kinh hoàng. Sức tàn phá của cơn bão không chỉ ở nơi tâm bão quét qua là Quảng Ninh, Hải Phòng mà còn ở các địa phương khác như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ…
Nhìn lại trận bão lũ, có thể thấy nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh tang thương khiến người dân cả nước bàng hoàng. Đó là câu chuyện chiếc xe khách trên 30 người ở Cao Bằng bị vùi lấp; cầu Phong Châu (Phú Thọ) sập xuống dòng nước chảy xiết. Đặc biệt tại Lào Cai, mưa lũ gây sạt lở đất đã vùi lấp nhiều nhà dân, trong đó cả một khu Làng Nủ ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên với hàng chục hộ dân bị vùi lấp sau một đêm.
Anh Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ - người trực tiếp chứng kiến trận lũ càn quét khủng khiếp tối ngày 10/9 chia sẻ: Trận lũ đã vùi lấp hơn 30 nóc nhà, trong đó là những người thân, bạn bè, hàng xóm cùng "tối lửa tắt đèn". Trong 37 hộ dân bị lũ quét, có 2 hộ không còn một ai và trong số người thiệt mạng có rất nhiều học sinh, có em chỉ mới hơn 3 tuổi.
Tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái (Yên Bái), những ngày bão lũ có trên 2.100 hộ dân nhà bị ngập trong nước, gây thiệt hại lớn về tài sản. Người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng bởi chưa bao giờ phải trải qua một trận "đại hồng thủy" lớn đến vậy! Chị Lương Thị Thu Hương ở phường Hồng Hà chia sẻ: "Nhà tôi không có thiệt hại về người nhưng được biết nhiều gia đình ở những địa phương khác bị mất người thân nên thấy xót xa lắm!".
Nước rút sau trận ngập lụt lịch sử, toàn bộ số hàng tạp hóa, đồ lưu niệm của gia đình bà Thạch Thị Tâm ở tổ dân phố Hồng Thắng, phường Hồng Hà bị bùn đất vùi lấp, chỉ vớt vát lại những món đồ còn dùng được. Bà Tâm kể lại, nước dâng lên rất nhanh, ngập hết cả tầng 1 nên đồ đạc trong nhà hỏng hết. Bão lũ tới, người dân chúng tôi lúc đó chỉ còn biết di dời.
Nỗ lực khắc phục thiệt hại
Thiên tai với sức tàn phá quá lớn cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy nhiều cơ sở vật chất. Hơn lúc nào hết, mỗi người con đất Việt đều xót xa trước sự mất mát của đồng bào. Ngay sau bão rút, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, "lá lành đùm lá rách", kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước chung tay ủng hộ.
Không chỉ ủng hộ bằng vật chất, những ngày qua, những câu chuyện về việc người dân khắp cả nước cùng chung tay để ủng hộ đồng bào vùng bão lũ đã được nhắc đến với sự xúc động về nghĩa cử của tình đồng bào thiêng liêng. Đó là câu chuyện hai em Nguyễn Khải Hòa, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Sao Việt và em Trần Diệp Nhi, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, đều ở thành phố Pleiku (Gia Lai) sau khi chứng kiến những hình ảnh ở vùng lũ được chiếu trên tivi đã quyết định đập heo đất, lấy tiền tiết kiệm để nhờ cha, mẹ quyên góp. Câu chuyện của bác tài xế xe ba gác Nguyễn Tiến Hồng, 54 tuổi, đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gom hết những đồng tiền lẻ trong túi, được 1,4 triệu đồng gửi đến đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ...
Không chỉ có người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng hướng về bà con nơi bão lũ với tinh thần sẻ chia. Cùng với đó, nhiều tổ chức thiện nguyện cũng đã lên đường, chung tay với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các lực lượng chức năng để tổ chức ứng cứu tại chỗ. Đồng thời, Việt Nam còn đón nhận tình cảm của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế.
Tình đồng bào - thứ gắn kết, sợi dây nối dân tộc Việt Nam từ thuở khai sinh dựng nước, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, trước giặc nước, rồi giặc bão lũ thiên tai. Càng trong khó khăn, nghĩa đồng bào lại càng keo sơn bền chặt và càng được vun đắp dựng xây thêm vững mạnh. Những người trẻ hôm nay vẫn đang nối tiếp truyền thống dân tộc, bằng trái tim thiện nguyện, sẵn sàng lao vào nơi bão dữ, lũ sâu để kịp thời cứu trợ đồng bào.
Tính đến 6 giờ 00 sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều biển hiệu quảng cáo, cột điện, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ. Tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước thiệt hại về vật chất do bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ngọc Thành, Nhóm phóng viên TTXVN