Dân ca Sán Chí còn gọi là cnắng cọô (có nơi gọi là Soóng cọ) là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có lịch sử lâu đời của người Sán Chí ở xã Kiên Lao (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) với lối hát đối đáp nam nữ, mà lời ca thường là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
Xã Kiên Lao hiện có 7 dân tộc, trong đó người Sán Chí (thuộc nhóm dân tộc Sán Chay) sống thành từng bản, chiếm tới 70% dân số trong các dân tộc anh em cùng sinh sống.
Sán Chí nghĩa là Người núi (Sơn tử). Theo biến âm của thổ ngữ còn được gọi là Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có nghĩa là người núi.
Hiện đồng bào nơi đây còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống, trong đó có hát dân ca. Dân ca Sán Chí có nhiều hình thức như: hát ban ngày, hát ban đêm, hát đổi tên, hát rửa mặt, hát đám cưới...
Với đồng bào Sán Chí, lời ca, tiếng hát chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.
Theo tập quán, vào những dịp đầu xuân, thanh niên dân tộc Sán Chí ở Kiên Lao thường đến bản làng trong vùng du xuân, giao lưu hát tự tình. Hiện nay, đồng bào Sán Chí còn lưu giữ được hàng nghìn bài hát dân ca, thuộc các thể loại khác nhau.
Mỗi hình thức có lời ca, âm điệu và ý nghĩa khác nhau, trong đó phần lớn là các bài hát đối đáp xoay quanh tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, ca ngợi quê hương đất nước. Mỗi bài hát dân ca Sán Chí ở tất cả các thể loại đều viết theo thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, lối hát chủ yếu là đối đáp nam nữ chào hỏi, chúc tụng.
Người có công trong việc góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân ca dân tộc Sán Chí ở huyện Lục Ngạn là nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập (sinh năm 1955, thôn Cống, xã Kiên Lao), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao.
Theo ông Sập, Dân ca Sán Chí có từ bao giờ không ai biết rõ, chỉ biết rằng người Sán Chí ở xã Kiên Lao từ đời này sang đời kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã biết hát, biết truyền dạy cho nhau học hát những làn điệu này. Từ người già, người trẻ, ai ai cũng học hát, cứ như vậy mà dân ca của người Sán Chí được lưu truyền cho đến ngày nay.
Những câu hát mượt mà của các nghệ nhân trong câu lạc bộ dân ca Sán Chí xã Kiên Lao đã để lại ấn tượng khó quên cho những ai đã từng được nghe. Lời hát chủ yếu về những đề tài ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu trai gái, tuy nhiên số người biết hát dân ca dân tộc Sán Chí phần lớn là những người ở lứa tuổi trung niên.
Người giỏi hát dân ca Sán Chí không những phải biết luyến láy, ngân nga mà còn phải giỏi ứng đối một cách linh hoạt, tài tình và thể hiện tình cảm trong từng hoàn cảnh cụ thể, để người nghe cảm thấy thuyết phục.
Câu lạc bộ Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao được thành lập từ năm 2011 có khoảng 70 thành viên thuộc 7 thôn trên địa bàn xã có người Sán Chí sinh sống. Phong trào hát dân ca Sán Chí ở Kiên Lao được duy trì đều đặn hằng năm vào các ngày lễ tết của dân tộc, đất nước, địa phương, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ.
Thông qua những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, người Sán Chí ở Bắc Giang, Đắc Lắk và các tỉnh thành khác thường xuyên kết nối, hát cho nhau nghe. Những cuộc hát ấy đã góp thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, tôn vinh di sản văn hóa dân tộc, gợi nhớ về nguồn cội, thông qua câu hát mà tình cảm quê hương thêm gắn bó.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông Sập đã sáng tác được gần 100 bài dân ca với nội dung ca ngơi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi quê hương đất nước, làng văn hóa, công cuộc đổi mới ở nông thôn…. Ông cùng các thành viên tích cực trong câu lạc bộ đã kết hợp với nhà trường mở các lớp truyền dạy hát dân ca cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc Sán Chí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, góp phần bảo tồn nét đặc sắc của dân ca Sán Chí.
Với sự độc đáo cả về nội dung lẫn hình thức, dân ca Sán Chí được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 27/12/2012 để bảo tồn, phát huy. Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chỉ ở vùng cao Lục Ngạn.
Tỉnh Bắc Giang có 12 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn.
Sán Chí là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan – Sán Chí). Sán Chí hay Sán Chỉ là tên tự gọi của đồng bào là dân tộc thiểu số sống ở miền núi phía Tây – Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), khoảng 300-400 năm trước đây. Do không chịu được sự chèn ép của người Hán, nên một bộ phận dân tộc Sán Chí đã tìm đường di dời xuống phía Nam.
Người Sán Chí vào Việt Nam theo hai đường: một bộ phận đi theo ngả Lạng Sơn vào cư trú ở các huyện Lục Bình, Văn Lãng (Lạng Sơn) và huyện Lục Ngạn, Lục Nam (Bắc Giang), một bộ phận khác đi theo đường biển vào cư trú ở tỉnh Quảng Ninh.
Bài: An Thành Đạt - Ảnh: Đoàn Việt Hưng - An Thành Đạt