Sau 23 năm Luật Di sản văn hóa và 15 năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024. Dự luật mới kiên trì bảo vệ quan điểm không xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước 2003 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nước ta có hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 8 di tích được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng; 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 15 di sản đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; 185 bảo tàng với hơn 4 triệu hiện vật; gần 8.000 lễ hội…
Khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản xin ý kiến tới 43 bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; 63 UBND tỉnh (thành phố); 63 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (và đơn vị tương đương); 30 đơn vị thuộc Bộ; 187 bảo tàng...
Sau một thời gian, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được 99 ý kiến góp ý. Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nêu rõ tiêu chí xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể - loại nào thuộc cấp tỉnh, loại nào thuộc cấp quốc gia, quốc tế; làm rõ nghệ nhân thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể nào được trợ cấp hằng tháng; bổ sung quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong việc quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể và cấp Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh (tương tự như xếp hạng di tích cấp tỉnh)…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời theo hướng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Việt Nam phải phù hợp với Công ước 2003 của UNESCO. Cụ thể, Luật phải tôn trọng quyền văn hóa của cộng đồng và không tạo ra xung đột văn hóa giữa các cộng đồng; giá trị của di sản do chính cộng đồng công nhận, không có sự so sánh hơn - kém, cao - thấp đối với văn hóa và đối với di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chủ trương không xếp hạng, không có sự phân biệt đối xử với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể không được xếp hạng nên không có sự phân chia cấp tỉnh, cấp quốc gia hay quốc tế.
Việc có nhiều đề nghị đưa tiêu chí phân loại di sản văn hóa phi vật thể vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cho thấy ở nước ta đang khá phổ biến tình trạng hiểu sai ý nghĩa, mục đích của UNESCO khi ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể.
Khoa Các khoa học liên ngành trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng tổ chức hội thảo trực tuyến “Ghi danh di sản – từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn” vào ngày 16/07/2021 để làm rõ sự khác biệt giữa “ghi danh” và “vinh danh”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền là một trong 12 chuyên gia trong Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2012-2014, 2017-2020. Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền nêu rõ rằng UNESCO “ghi danh”, chứ không phải là “công nhận” hay “vinh danh” di sản văn hóa phi vật thể như cách chúng ta thường nói lâu nay.
Mục đích UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể tại một quốc gia nào đó là nhằm bảo vệ di sản bằng cách “đưa các di sản vào danh sách”, mà không phải là “vinh danh” hay “xếp hạng” di sản đó ở đẳng cấp quốc tế. Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất. Việc ghi danh không khiến cho một di sản “có đẳng cấp” hơn những di sản chưa được ghi danh, hay di sản cấp địa phương thì “kém giá trị” hơn di sản cấp quốc gia.
Cần phải hiểu đúng tinh thần của UNESCO để không tạo ra sự thất vọng với cộng đồng có di sản văn hóa phi vật thể chưa được ghi danh cũng như không làm cho cộng đồng có di sản được ghi danh tự hào thái quá.
Theo cách hiểu của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể thuộc về cộng đồng dân cư sở hữu và thực hành di sản. Dù được UNESCO ghi vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” hoặc “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thì di sản đó vẫn thuộc về cộng đồng riêng của nó và không trở thành “di sản thế giới” hay tài sản của nhân loại nói chung. Công ước 2003 không phải vô cớ mà luôn luôn dùng cụm từ “di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên” mà không dùng cụm từ “di sản của quốc gia thành viên”.
Cách hiểu về di tích (vật thể) khác với di sản văn hóa phi vật thể. Chúng ta có thể phân cấp các di tích thành “di tích cấp tỉnh”, “di tích quốc gia”, “di tích quốc gia đặc biệt”. Tuy nhiên, Công ước 2003 của UNESCO bác bỏ việc xếp hạng các di sản văn hóa phi vật thể thành một hệ thống thứ bậc, phân chia cao - thấp. Tất cả di sản văn hóa phi vật thể đều bình đẳng, đều có giá trị đặc biệt đối với cộng đồng, nhóm người, cá nhân sáng tạo ra chúng.
Trở lại với năm 2003. Tại thời điểm này Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là văn bản mang tính pháp lý quốc tế, là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước và trở thành một trong 30 quốc gia trên thế giới sớm gia nhập Công ước này. Nước ta cũng đã hai lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Trần Quang Vinh