Nghề ướp trà sen Quảng An trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

vna_potal_nghe_nhan_tram_tuoi_gan_bo_voi_nghe_uop_tra_sen_truyen_thong_tay_ho__7456792.jpg
Công đoạn lấy gạo sen được coi là khó nhất trong các bước làm trà sen, đòi hỏi người nghệ nhân phải nhanh tay, khéo léo để hạt gạo không nát, không bay mất hương thơm, giảm chất lượng của sản phẩm vẫn được lão nghệ nhân thực hiện tỉ mỉ. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Nghệ thuật ướp trà sen đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Hà Nội từ nhiều năm nay. Trà sen là sản phẩm trà quý của người Việt. Hoa sen có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tôn giáo của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Sen kết hợp với trà tạo nên sự đồng điệu, đỉnh cao của hương vị. Sen bách diệp được trồng chủ yếu tại phường Quảng An, quận Tây Hồ.

ANH DON 1 TAC GIA AN THANH DAT.jpg
Gia đình cụ Nguyễn Thị Dần (101 tuổi) ở Tô Ngọc Vân, Tây Hồ với nghề ướp trà sen gia truyền nức tiếng Hà Thành. Cụ làm trà sen gần 80 năm qua, với thành phẩm thơm ngon nức tiếng Hà Thành và được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”. Ảnh: An Thành Đạt

Mảnh đất Quảng An là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Người dân nơi đây lưu giữ nghề ướp trà sen lâu đời và gìn giữ đến ngày nay.

vna_potal_nghe_nhan_tram_tuoi_gan_bo_voi_nghe_uop_tra_sen_truyen_thong_tay_ho__7456782.jpg
Cụ Nguyễn Thị Dần, nghệ nhân trăm tuổi ướp trà sen ở Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Hiện nay, trên thị trường có nhiều nơi làm trà ướp sen nhưng không vùng nào có được hương vị đặc trưng như trà ướp sen Tây Hồ. Vào độ tháng 6, khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An, Nhật Tân tất bật vào vụ.

vna_potal_nghe_nhan_tram_tuoi_gan_bo_voi_nghe_uop_tra_sen_truyen_thong_tay_ho__7456786.jpg
Đôi bàn tay nhuốm màu thời gian của cụ Dần vẫn hằng ngày tỉ mỉ thực hiện những công đoạn của nghề ướp trà sen truyền thống. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Theo những nghệ nhân làm trà lâu năm, để làm được loại trà sen Tây Hồ thượng hạng nhất mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, loại sen làm trà phải là những bông sen mọc tại đầm làng Quảng Bá có cánh phớt hồng, nụ vừa chớm nở, cho hương đậm đà. Sen hái lúc sáng sớm đem về bóc cánh, tách gạo sen (thứ được ví như túi hương của bông sen) rồi đem ướp. Việc lấy gạo sen là công đoạn khó nhất, người làm phải nhanh tay, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm, 1 kg trà ướp sen theo cách truyền thống cần tới 1.000-1.400 bông sen, cứ một lượt trà lại rắc một lượt gạo sen.

vna_potal_nghe_nhan_tram_tuoi_gan_bo_voi_nghe_uop_tra_sen_truyen_thong_tay_ho__7456788.jpg
Công đoạn lấy gạo sen được coi là khó nhất trong các bước làm trà sen, đòi hỏi người nghệ nhân phải nhanh tay, khéo léo để hạt gạo không nát, không bay mất hương thơm, giảm chất lượng của sản phẩm vẫn được lão nghệ nhân thực hiện tỉ mỉ. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN
vna_potal_nghe_nhan_tram_tuoi_gan_bo_voi_nghe_uop_tra_sen_truyen_thong_tay_ho__7456783.jpg
Nghề ướp trà sen truyền thống được gia đình cụ Dần thực hiện thủ công và truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Ướp trà khoảng 2 ngày thì sấy khô; quy trình ướp, sấy lặp đi lặp lại 5 - 7 lần giúp hương thơm của sen quyện vào vị trà sẽ cho ra thức uống hảo hạng. Để đảm bảo chất lượng của trà, nghệ nhân chỉ thực hiện ướp trà vào buổi sáng khi hoa sen còn tươi rói. Do cầu kỳ trong cách chế biến nên hoàn thành 1 kg trà phải mất 1 - 2 tuần. Ngoài cách ướp trà sen truyền thống, còn có cách làm trà ướp sen “xổi” đơn giản, ít tốn công, giá thành mềm hơn, tuy nhiên hương vị không bằng cách ướp truyền thống.

Theo đó, người ta cho một nắm nhỏ trà vào bên trong bông hoa rồi dùng lá sen buộc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi ngậm trà được cắm vào nước qua một đêm cho hương sen thấm vào trà. Trà sen đạt chất lượng là nước trong xanh, khi uống có vị chát, ngọt, đượm hương sen trong miệng.

vna_potal_nghe_nhan_tram_tuoi_gan_bo_voi_nghe_uop_tra_sen_truyen_thong_tay_ho__7456793.jpg
Hiện nay, những gói trà sen Tây Hồ mang thương hiệu "Trà sen bà Dần" đã trở nên nổi tiếng trong giới thưởng trà. Ảnh : Khánh Hòa – TTXVN

Cũng vì độ cầu kì, phức tạp trong cách chế biến mà trà sen Tây Hồ được xem là loại trà có giá thành đắt đỏ trên thị trường.

Với giá trị đặc biệt của mình, trà sen Tây Hồ thường được đưa ra để tiếp khách quý hay làm các món quà trong dịp lễ, Tết.

Việc nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là cột mốc để thành phố Hà Nội tiếp tục bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị sen Tây Hồ.

Tuyết Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm