Đối với đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang, cây thốt nốt từ lâu đã trở nên thân quen, gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Những sản phẩm từ cây thốt nốt được nhân dân tận dụng để phát triển kinh tế, hình thành nên nhiều đặc sản trứ danh. Trong đó, nghề làm đường thốt nốt không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn được gìn giữ qua nhiều thế hệ và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trao truyền qua nhiều thế hệ
Theo các vị cao niên ở vùng Bảy núi An Giang, nghề làm đường thốt nốt của người Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên có từ rất lâu. Người Khmer ở đây lớn lên đã thân quen với mùi thơm của đường thốt nốt. Bà con xem thốt nốt là đặc sản, là món quà quý của đất trời.
Anh Chau Don (ngụ xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, nghề nấu đường thốt nốt đã gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của phum, sóc ở Văn Giáo nói riêng, Bảy núi An Giang nói chung, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho vùng đất này. Ngay từ nhỏ, anh đã được bố mẹ hướng dẫn học nghề thành thạo, để rồi tiếp tục hướng dẫn cho các con của mình.
Bà con Khmer vùng Bảy núi An Giang hiện vẫn giữ thói quen sử dụng vỏ cây sến để bảo quản, tránh cho nước thốt nốt không bị chua, hư hỏng. Nhờ vậy, tạo ra được sản phẩm đường thốt nốt an toàn. Nên dù bán với giá cao hơn thị trường, sản phẩm vẫn được người tiêu dùng chấp nhận, ủng hộ.
Gần 1 tháng nay, cứ 5 giờ sáng, anh Chau Sóc Chiếp (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, thế hệ làm đường thốt nốt thứ 3) lại chuẩn bị đầy đủ kẹp, chai nhựa… rồi leo lên ngọn cây lấy nước thốt nốt mang về nấu đường.Theo anh Chau Sóc Chiếp, từ lúc cây con đến khoảng 10 năm, cây thốt nốt mới ra bông, tuy nhiên chỉ cho bông khoảng 3 - 4 tháng và cho nước với trữ lượng đường rất ít. Thốt nốt có tuổi thọ cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Cây thốt nốt 30 - 40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm.
Thời điểm để khai thác nước và làm đường thốt nốt thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 6 (âm lịch) năm sau; nếu thời tiết hanh khô còn có thể thu hoạch thêm 2 tháng. Trong đó, giai đoạn sau Tết Nguyên đán là lúc nước thốt nốt có trữ lượng đường cao và đạt chất lượng ngon nhất.
Nước thốt nốt được lấy từ bông, chứ không phải trong trái. Cây thốt nốt rất cao, có cây cao trên 15m nên phải dùng những cây tre dài, có nhiều nhánh làm thang để leo lên ngọn. Người lấy phải cắt phần ngọn ở cuống bông, sau đó, dùng ống tre hoặc bình nhựa để hứng sẵn. Việc lấy nước thốt nốt không hề đơn giản nên không phải ai cũng làm được, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng dễ xảy ra tai nạn, anh Chau Sóc Chiếp chia sẻ.
Xong công đoạn lấy nước thốt nốt đầy vất vả và nguy hiểm, công đoạn nấu đường cũng không kém gian nan. Nước lấy xong phải được nấu ngay, để lâu sẽ bị chua, vì vậy, người dân phải xây lò nấu đường gần nơi lấy nước để thuận tiện.
Nước thốt nốt sau khi lấy xuống phải lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bông, bụi và côn trùng. Sau đó, cho vào chảo lớn, nấu khoảng 6 - 7 tiếng là cô đặc thành đường. Mùa nắng, 6 - 7 lít nước thốt nốt nấu được 1kg đường, còn mùa mưa phải nấu khoảng 10 lít nước mới được 1kg đường.
Người có kinh nghiệm chỉ cần nếm nước thốt nốt là biết được hàm lượng của đường bên trong. Mẻ đường chất lượng hay không tùy thuộc vào kinh nghiệm của người nấu. Trong lúc nấu phải khuấy và vớ
t bọt liên tục. Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhấc ra khỏi lò, khuấy liên tục đến khi đường chuyển sang màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt, chị Neáng Chanh Tha, vợ anh Chau Sóc Chiếp chia sẻ.
Tìm hướng đi mới
Cây thốt nốt có tên khoa học là Borassus Flabellifer, sinh trưởng rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á, như: Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia,...
Tại An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, trở thành nét đặc trưng riêng có của miền đất Phương Nam. Với bà con Khmer vùng Bảy núi An Giang, thốt nốt là giống cây trời ban, tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng, nước lấy từ cây nấu đường, làm bánh, kết hợp chế biến với các món ăn; thân cây già làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất… qua đó, góp phần cải thiện đời sống của gia đình.
Theo ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cây thốt nốt không chỉ đơn thuần mang đến giá trị kinh tế cho người dân, nó còn chứa đựng giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa của người dân Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống địa phương.
Hiện nay, cây thốt nốt không chỉ nổi tiếng với mật ngọt để nấu đường, mà còn có nhiều sản phẩm ra đời, như: rượu thốt nốt, nước thốt nốt, chè, thạch thốt nốt, tranh lá thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt… được hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Theo thống kê của thị xã Tịnh Biên, toàn thị xã có 305 cơ sở sản xuất đường thốt nốt, với 780 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, mỗi năm cho sản lượng 3.138 tấn. Sản phẩm đường thốt nốt cung cấp số lượng lớn cho thị trường trong và ngoài tỉnh…, một số được xuất khẩu ủy thác qua thị trường Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ...
Để góp phần đưa nghề làm đường thốt nốt của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang thực sự khởi sắc, có bước tiến mới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trương Bá Trạng cho rằng, thời gian tới rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế chính sách, đào tạo nghề, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề giúp bà con có thêm sinh kế và gắn bó với nghề, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu làng nghề,...
Bên cạnh đó, đồng bào Khmer cần phát huy ý thức gìn giữ nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc; chủ động tiếp cận và mở rộng các kênh tiếp thị, nhất là các trang mạng xã hội,… Phối hợp các tour du lịch, mời gọi khách tham quan đến tìm hiểu, trải nghiệm,…
Tại An Giang, trong khi nhiều làng nghề truyền thống khác đang dần bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định; vừa mang lại sinh kế cho bà con, vừa góp phần lưu giữ và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Tối 27/11/2024, tại thị xã biên giới Tịnh Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với UBND thị xã tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với đồng bào Khmer tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nói riêng, cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh An Giang nói chung. Đồng thời, sự kiện góp phần tạo thêm động lực, niềm tin cho bà con, nhất là những người vẫn đang gắn bó, tha thiết với nghề nấu đường thốt nốt của dân tộc.
Công Mạo